Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Kiểm soát chặt việc đổi tiền lẻ, tiền mới
Vân Linh - 03/02/2021 15:36
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không in tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời hạn chế việc đổi tiền lẻ, tiền mới trong dịp Tết năm nay.
.

Hạn chế in tiền lẻ và kiểm soát chặt

Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú khẳng định, Tết năm nay, Ngân hàng tiếp tục không in tiền lẻ mệnh giá nhỏ.

Ông Tú cho biết, trong mấy năm qua, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Do đó, năm nay, NHNN vẫn quyết liệt không in tiền mới có mệnh giá nhỏ.

Thông tin từ NHNN cũng cho biết, NHNN tiếp tục không in tiền mới có mệnh giá nhỏ (dưới 5.000 đồng). Từ năm 2021, Sở Giao dịch NHNN tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN. Nếu phát hiện cán bộ nào có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm.

NHNN chi nhánh các địa phương cũng được yêu cầu phải chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch thu chi tiền mặt, ưu tiên chi tiền đã qua lưu thông mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, đặc biệt là tiếp quỹ ATM, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, chi cho siêu thị, trung tâm thương mại.

Cuối tháng 1/2021, UBND TP.HCM cũng có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm kinh doanh tiền lẻ trái phép. Tại văn bản vừa ban hành, UBND TP.HCM yêu cầu Công an, Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp với với NHNN Chi nhánh TP.HCM kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền lẻ trái phép.

UBND TP.HCM giao NHNN Chi nhánh TP.HCM phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, các ngân hàng thương mại có hoạt động giao dịch ATM để nắm thông tin về nhu cầu tiền mặt của các doanh nghiệp dự kiến trả lương, thưởng cho người lao động qua tài khoản ATM. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có kế hoạch triển khai cụ thể và dự phòng các vấn đề về tiếp quỹ ATM, về sự cố kỹ thuật để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, liên tục, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu rút tiền của người dân.

Đồng thời, NHNN Chi nhánh TP.HCM được yêu cầu chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động làm việc với các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thực hiện chi trả tiền lương, thưởng thông qua nhiều hình thức (chi trả trực tiếp bằng tiền mặt, chi trả qua tài khoản ATM) nhằm giảm bớt áp lực rút tiền trên máy ATM trong những ngày cao điểm cuối năm.

Dịch vụ đổi tiền mới vẫn tràn lan trên mạng

UBND TP.HCM cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp NHNN Chi nhánh TP.HCM, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch, Sở Công thương, UBND các quận, huyện thông tin tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ chủ trương của NHNN trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm, đúng chức năng, góp phần bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép, đặc biệt tại các khu vực có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng đầu năm, ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ và an ninh trật tự.

Với yêu cầu trên, các ngân hàng cũng không đổi tiền mới, tiền lẻ cho khách hàng trong dịp Tết năm nay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, năm nay, NHNN hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ, nên lượng tiền mới mệnh giá nhỏ đưa ra lưu thông không nhiều.

Thế nhưng, trên thị trường tự do vẫn tràn ngập dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới với mức phí rất cao, khoảng 15-20%, thậm chí cao hơn. Nếu như trước đây, việc đổi tiền được thực hiện một cách công khai, bày bán tại nhiều điểm giao dịch, đặc biệt tập trung tại các cổng đền, chùa, thì từ khi có quy định siết chặt, việc đổi tiền mặt công khai đã giảm. Thay vì mời chào trực tiếp, việc đổi tiền đã rút vào hoạt động kín đáo hơn, trong đó có việc chào bán trên mạng.

Tùy vào mệnh giá sẽ có mức phí khác nhau, tiền càng nhỏ, phí đổi sẽ càng cao. Cụ thể, mệnh giá 1.000 đồng, phí khoảng 15%; 2.000 đồng và 5.000 đồng, phí dao động 10 - 12%; 10.000 - 20.000 đồng, phí 8 - 10%; 20.000 đồng, phí 7 - 8%; 100.000 đồng, phí 4 - 6%...

Ngoài đổi tiền lẻ, các địa chỉ này còn có dịch vụ đổi ngoại tệ, phổ biến nhất là đồng 2 USD mới với mức giá 52.000 - 55.000 đồng/tờ. Thậm chí, USD in hình trâu vàng có giá tới 220.000 - 300.000 đồng/tờ.

Trong khi đó, tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền.

Cụ thể, đối với cá nhân, tại điểm a, khoản 5, Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền 20 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b, khoản 3, Điều 3, Nghị định 88/2019/NĐ-CP).

 

Mới đây, thừa lệnh Thống đốc NHNN, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ đã ban hành chỉ thị, trong đó nêu rõ, từ năm 2021, sở giao dịch, NHNN các chi nhánh tuyệt đối không thực hiện đổi tiền mới in cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN. Đồng thời, NHNN có hình thức xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định.

 

Bị cấm, dịch vụ đổi tiền lẻ hùa nhau lên mạng
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư