Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Kiểm soát sự lây lan của dịch đậu mùa khỉ
D.Ngân - 09/10/2023 14:53
 
Dịch đậu mùa khỉ vẫn đang được kiểm soát, khoanh vùng, tránh lây lan. Các chuyên gia y tế cho rằng không quá hoang mang với bệnh nhưng cũng không chủ quan mà cần có biện pháp ứng phó phù hợp với nguy cơ.

Đến nay, Việt Nam đã có 7 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, trong đó tỉnh Bình Dương lại vừa ghi nhận thêm ca mắc mới nâng số ca mắc lên 2 ca; TP.HCM đã liên tiếp ghi nhận 5 ca bệnh. Ngành Y tế đang khẩn trương điều tra dịch tễ, khoanh vùng, để ngăn chặn các nguồn lây lan.

Các chuyên gia y tế cho rằng không quá hoang mang với bệnh nhưng cũng không chủ quan với dịch đậu mùa khỉ mà cần có biện pháp ứng phó phù hợp với nguy cơ.

Đáng chú ý, các ca mắc đậu mùa khỉ vừa qua đều khởi phát tại các địa phương và chưa phát hiện có yếu tố tiếp xúc với người nước ngoài, hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.

Đánh giá về dịch tễ của các ca mắc đậu mùa khỉ vừa qua, PGS-TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, trong điều tra dịch tễ cũng từng có những trường hợp mắc bệnh mà không phát hiện được nguồn lây, nguồn bệnh.

Có những trường hợp bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây một cách tình cờ, hay người từng mắc bệnh đã khỏi và không hề biết mình từng mắc bệnh, thậm chí có trường hợp bệnh nhân không khai báo y tế, giấu bệnh.

Để xác định bệnh lây từ đâu, lây theo hình thức nào phải được xác định qua điều tra dịch tễ kỹ càng. Theo PGS-TS.Trần Đắc Phu, các địa phương cần tiếp tục điều tra, nhất là giám sát các trường hợp tiếp xúc với những ca mắc bệnh này.

Đồng thời, rà soát để phát hiện những ca mới trong cộng đồng để có những biện pháp phòng, chống hiệu quả, không để dịch lây lan.

Trước nguy cơ dịch có khả năng lây lan ra cộng đồng, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang vì bệnh đậu mùa khỉ vẫn khó lây hơn những bệnh truyền nhiễm khác; tuy nhiên vẫn cần cảnh giác, chú ý thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các địa phương cần thực hiện giám sát chặt chẽ để phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng.

Việc phát hiện ca mắc đầu tiên để cách ly, tìm nguồn lây là vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn sự lây lan. Các địa phương phải đánh giá nguy cơ để đáp ứng phù hợp, không để mất kiểm soát dịch.

Tuy nhiên, cũng không nên phản ứng thái quá mà triển khai đầu tư không cần thiết. Nhất là trong bối cảnh, đang có nhiều dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp trên cả nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, bạch hầu…

“Cơ quan chức năng cần truyền thông để người dân không hoang mang và nắm được các biện pháp phòng bệnh để chủ động bảo vệ bản thân”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu.

Với câu hỏi thời điểm này Việt Nam có nên tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ, theo ông Phu, xét về rủi ro và lợi ích, tại thời điểm này, chúng ta chưa cần đặt ra vấn đề tiêm vắc-xin và người dân cần chủ động thực hiện phòng, chống dịch như các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục chia sẻ thông tin với quốc tế để có những biện pháp phòng, chống dịch.

Để phòng chống dịch đậu mùa khỉ, Cục Y tế dự phòng lưu ý cần chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ nêu trên để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Tổ chức điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Thực hiện công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống không để người dân hoang mang lo lắng không cần thiết. Cùng đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ.

Các triệu chứng điển hình của đậu mùa khỉ là: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Bệnh lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm ở khoảng cách gần (tiếp xúc với chăn ga gối trải giường, quần áo, khăn mặt, dịch tiết, giọt bắn đường hô hấp, cọ xát, da có trầy xước, quan hệ tình dục…

Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, vết loét hoặc vảy đậu mùa ở khỉ; tiếp xúc tình dục dưới bất kỳ hình thức nào hoặc chạm vào bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người bị bệnh đậu khỉ;

Ôm, xoa bóp, hôn; nói chuyện gần gũi qua các giọt đường hô hấp hoặc dịch miệng của người bị bệnh đậu mùa khỉ; tiếp xúc các bề mặt được sử dụng bởi một người bị đậu mùa khỉ hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh như quần áo, giường, khăn tắm, dụng cụ ăn uống,…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành các khuyến cáo. Cụ thể, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khoẻ.

Về đậu mùa khỉ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 23/7/2022 đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, mức cảnh báo cao nhất của WHO.

Sau đó gần một năm, ngày 11/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).
Khuyến cáo các biện pháp mỗi người cần thực hiện để phòng chống đậu mùa khỉ
ThS.Bs. Lương Chấn Quang, Phó trưởng Khoa kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật trực thuộc Viện Pasteur TP.HCM, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư