Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Kiểm tra đột xuất khoáng sản lậu chỉ thấy… dòng sông phẳng lặng, cây trồng mới lên (!)
 
Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế vừa thông báo kết quả kiểm tra đột xuất khu vực bị khai thác khoáng sản “lậu” tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế sau loạt bài điều tra trên Báo Đầu tư.

“Không có dấu hiệu khai thác mới”

Kết quả kiểm tra đột xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế cho biết, qua thông tin phản ánh của báo chí về tình hình khai thác khoáng sản trái phép, ngày 7/7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc và đã có Công văn gửi UBND huyện Phú Lộc, đồng thời báo cáo UBND tỉnh.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế cho rằng, qua kiểm tra một số khu vực trên địa bàn xã Lộc Bổn, như thôn Hoà Vang 1, các khu vực gần đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, khu vực Bến Ván, đơn vị này ghi nhận có một số địa điểm có hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép.

Trong đó, khu vực lòng sông Nong có hiện tượng khai thác cát, sỏi lòng sông (hiện trạng trước đây là bãi tập kết cát, sỏi do hoạt động khai thác), khu vực khoảnh rừng 130 có hiện tượng khai thác đất trái phép.

Đáng chú ý, kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế cho biết, tại thời điểm kiểm tra không còn hoạt động khai thác, không có dấu hiệu khai thác mới; khu vực khoảnh rừng số 130 đã được trồng cây con.

Thửa đất rừng số 130 bị “đất tặc” hủy hoại không khác gì hố bom nhưng Sở TNMT tỉnh dẫn thông tin của xã Lộc Bổn cung cấp để báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là chỉ “khai thác trong thời gian ngắn”. Ảnh: P.V
Thửa đất rừng số 130 bị “đất tặc” hủy hoại không khác gì hố bom nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế dẫn thông tin của xã Lộc Bổn cung cấp để báo cáo UBND tỉnh là chỉ “khai thác trong thời gian ngắn”. Ảnh: P.V

Động thái tiến hành kiểm tra hiện trường đột xuất nói trên của Sở TNMT tỉnh là thực hiện theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương, sau khi Báo Đầu tư đăng loạt bài điều tra về vấn nạn khoáng sản lậu, trong đó có địa bàn xã Lộc Bổn.

Những thông tin, hình ảnh hiện trường mà báo đăng tải không chỉ được dư luận, bạn đọc quan tâm, mà còn được lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và có chỉ đạo nóng cơ quan chức trách kiểm tra, báo cáo.

Thực tế cho thấy, chúng tôi đã mất thời gian dài vượt bao khó khăn để tiếp cận đại công trường khai thác cát sỏi lòng sông trái phép trên thượng nguồn sông Nong của xã Lộc Bổn. Qua đó, chúng tôi ghi nhận hành vi khai thác cát sỏi lòng sông trên khu vực mỏ phi pháp (chưa được cấp phép này) thực hiện bởi “Tập đoàn phương tiện TT123” (rõ cả số xe, người điều khiển do ông Nguyễn Hữu Thành Tâm (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát, xã Lộc Bổn) và thân mẫu vị này là bà Nguyễn Thị Huệ (trú ở xã Lộc Bổn) làm chủ.

Đáng chú ý, phương tiện tham gia khai thác trái phép trên sông Nong có cả một số phương tiện từng tham gia khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ đất trồng rừng ở thôn Hòa Vang 1, do ông Tâm tổ chức hồi tháng 3/2023. Sau khi báo chí đăng tải, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo nóng kiểm tra, xử lý thì hiện trường lòng sông Nong ở thượng nguồn không còn cảnh khai thác cát sỏi trái phép, không còn phương tiện lẫn con người múc cát sỏi phi pháp mang đi tiêu thụ, mặt sông “một màu phẳng lặng” trước mặt những người kiểm tra là điều hiển nhiên.

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phú Lộc “nói theo” báo cáo cấp xã?

Khu đất vốn là rừng trồng ở thôn Hòa Vang 3, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (thuộc thửa đất số 130, tờ bản đồ 51) bị “đất tặc” khai thác đất không phép, hủy hoại. Cả khu vực rừng trồng bị khai thác đất độ sâu có nơi đến 2m, đường kính hàng trăm mét. Mặc dù vậy, dẫn báo cáo của chính quyền xã Lộc Bổn, Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin là: “Các khu vực này do các cá nhân khai thác trái phép trong thời gian ngắn, kết hợp khi đưa xe múc vào làm đường khai thác rừng hoặc vào thời điểm đường cao tốc, đường gom, thi công hoàn trả các tuyến đường nên có nhiều phương tiện gần khu vực dự án dẫn đến khó giám sát; đồng thời địa bàn xã Lộc Bổn khá rộng, đa phần là đồi núi, xa khu dân cư nên các đoàn kiểm tra cấp cơ sở còn hạn chế trong công tác phát hiện bắt quả tang”.

Nhân lực, phương tiện của “tập đoàn” TT123 khai thác cát sỏi lòng sông trái phép ở thượng nguồn song Nong mà Báo Đầu tư điều tra, thông tin chưa nhưng được cơ quan hành chính 3 cấp xã, huyện, tỉnh của Thừa Thiên Huế xử lý, báo cáo đầy đủ. Ảnh: P.V
Nhân lực, phương tiện của "Tập đoàn TT123" khai thác cát sỏi lòng sông trái phép ở thượng nguồn song Nong mà Báo Đầu tư điều tra, thông tin chưa nhưng được cơ quan hành chính 3 cấp xã, huyện, tỉnh của Thừa Thiên Huế xử lý, báo cáo đầy đủ. Ảnh: P.V

Trước những thông tin này, khi được chúng tôi cung cấp hình ảnh hiện trường, một số chuyên gia về khai thác mỏ khoáng sản nhận định, nếu dùng một chiếc xe múc và 5 - 7 xe ben tải, người ta mất cả vài tháng lấy đất mới khiến khu đất rừng trở nên biến dạng như vậy.

Đó là chưa nói, tuyến đường vận chuyển đất san lấp từ mỏ đất này ra ngoài là độc đạo, nối từ rừng ra Tỉnh lộ 15, hoặc ra những tuyến đường chính của xã Lộc Bổn.

Nếu nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm xóa sổ các khu vực khai thác khoáng sản không phép, lực lượng chức năng tại xã Lộc Bổn và huyện Phú Lộc không quá khó để bắt quả tang các đối tượng phạm pháp, trục lợi tài nguyên khoáng sản giữa ban ngày tại thửa đất rừng số 130 lẫn mỏ cát phi pháp trên thượng nguồn sông Nong.

Việc dẫn báo cáo từ cấp xã (đơn vị bị lãnh đạo UBND tỉnh phê bình trong quản lý tài nguyên khoáng sản) để báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế đã làm “mờ nhạt” vai trò của mình.

Chẳng hạn, nếu hiện trường không còn như báo chí thông tin, thì cơ quan này cần sử dụng biện pháp chuyên môn tự mình thực hiện hoặc phối hợp với đơn vị nghiệp vụ khác để xác minh, xác định mức độ tài nguyên khoáng sản bị xâm hại, tàn phá.

Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có thể tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra, không thể kết luận và báo cáo một cách hời hợt rằng “khu vực khoảnh rừng số 130 đã được trồng cây con”.

Những vấn đề trọng tâm như ai là đối tượng vi phạm, ai là chủ rừng để cho “đất tặc” đến khai thác đất trái phép; mối quan hệ “ăn chia” giữa chủ rừng với “đất tặc” như thế nào; những đối tượng liên quan chịu trách nhiệm thế nào về hành vi hủy hoại đất (rừng) theo khoản 25, Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 đối với thửa đất rừng 130, cũng như thửa đất rừng số 344, tờ bản đồ số 01, thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn mà Báo Đầu tư đã từng nêu?

“Không thể để cả một khu vực đất rừng rộng lớn bị hủy hoại, biến dạng, rồi “đất tặc” hay chủ rừng trồng vài cây keo lai vào đấy để đối phó với cơ quan chức trách, rồi mọi chuyện “huề cả làng”. Làm như thế sao gọi là luật pháp nghiêm minh được?”, một người dân ở thôn Hòa Vang 3, xã Lộc Bổn (đề nghị được giấu tên) bức xúc.

Không chỉ thế, liên quan đến vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Lộc Bổn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương sau khi kiểm tra thực địa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND huyện Phú Lộc để xác minh làm rõ đối tượng, hành vi vi phạm để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Thế nhưng, cả UBND huyện Phú Lộc và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chỉ dựa theo báo cáo, tham mưu của UBND xã Lộc Bổn để xử lý sai phạm, trong đó có dấu hiệu bỏ lọt hành vi vi phạm, không áp dụng quy định của pháp luật để xử lý “đúng người, đúng tội”.

Cụ thể, dẫn báo cáo của UBND huyện Phú Lộc, ngày 6/7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã có báo cáo số 4946/STNMT-TN gửi UBND tỉnh về xử lý vi phạm liên quan đến khai thác đất trái phép tại xã Lộc Bổn.

Theo đó, sau khi xác định hành vi vi phạm với ông Nguyễn Hữu Thành Tâm (trú tại xã Lộc Bổn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát) đã có hành vi vi phạm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với khối lượng 1.517,0 m3 (trên 50m3 ), tại thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn.

UBND xã Lộc Bổn tham mưu UBND huyện xử phạt ông Tâm với mức phạt chính 45 triệu đồng (vi phạm quy định tại tại điểm e khoản 1 Điều 47 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thuỷ văn; đo đạc và bản đồ).

Kèm theo đó là hai khoản tiền xử phạt bổ sung là 56.894.000 đồng, tổng là 102 triệu đồng; buộc ông Tâm thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Mặc dù ông Tâm là Giám đốc Công ty, là chủ doanh nghiệp và thừa nhận là người tổ chức nhân lực, phương tiện đi khai thác khoáng sản (đất san lấp) trái phép, nhưng UBND xã Lộc Bổn chỉ lập biên bản vi phạm, áp dụng việc xử lý vi phạm như đối với một cá nhân đơn lẻ (đối với tổ chức vi phạm, mức phạt tiền gấp đôi).

Điều lạ là vấn đề này vẫn được UBND huyện Phú Lộc chấp thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng không có ý kiến gì, cứ thế báo cáo lên UBND tỉnh.

Không chỉ vậy, theo khoản 4, Điều 47, Nghị định số 36/2020/NĐ- CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.

Thế nhưng, quy định này đã bị cơ quan hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh “bỏ qua” một cách khó hiểu. Cùng với đó, nguồn khoáng sản mà ông chủ Thành Tâm Phát khai thác, cung cấp cho ai, nguồn thu thế nào, đóng thuế ra sao, có trốn thuế hay không… vẫn chưa được các cơ quan chức năng tại Thừa Thiên Huế làm rõ cũng như tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý nghiêm theo tinh thần của Chỉ thị số 07/CT-UBND của chính UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành ngày 11/5/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Giám sát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản trong lòng hồ chứa nước Lộc Đại
UBND huyện Quế Sơn yêu cầu tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác tận thu đá thạch anh và đất sét, đá san lấp thuộc khu vực lòng hồ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư