Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Kiểm tra lời hứa của 4 thành viên Chính phủ
Mạnh Bôn - 20/05/2013 05:54
 
Tại Kỳ họp thứ 5 này, lần đầu tiên, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về nội dung này.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Với tư cách là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ông đánh giá thế nào trước việc 4 thành viên Chính phủ thực hiện các yêu cầu mà Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4?

Các nội dung trong Nghị quyết yêu cầu 4 thành viên Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Công thương, Xây dựng, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) được chất vấn phải triển khai cả năm 2013.

Bây giờ mới là cuối tháng 5, thời gian để thực hiện còn nhiều, nên chưa thể đánh giá ngay được.

Hơn nữa, tôi cũng chỉ là một thành viên của Quốc hội, nên đánh giá cũng khó có thể đầy đủ mà cần phải có nhiều ĐBQH khác đánh giá, nhận định. Trên cơ sở đó, tổng hợp lại mới có thể đưa ra kết luận thành viên Chính phủ nào thực hiện chất vấn tốt, thành viên nào chưa tốt, đạt được bao nhiêu yêu cầu, cần phải tiếp tục làm gì để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội.

Nhưng ĐBQH cũng phải có động thái “nhắc nhở” để các thành viên Chính phủ sớm hoàn thành lời hứa của mình trước Quốc hội, trước cử tri tại Kỳ họp thứ 4?

Mới đây, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức một buổi họp trực tuyến với tất cả các đoàn ĐBQH ở 63 tỉnh, thành phố về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Từ đó, từng đoàn ĐBQH và từng ĐBQH phối hợp với HĐND cấp tỉnh và đại biểu HĐND cấp tỉnh thực hiện giám sát việc triển khai Nghị quyết này ở từng địa phương đối với từng lĩnh vực. Kết quả giám sát tại địa phương là thước đo chính xác nhất, khách quan nhất từng thành viên Chính phủ trong việc thực hiện những vấn đề được đặt ra trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại Kỳ họp thứ 5 này, trước khi tiến hành chất vấn, một Phó thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ đọc báo cáo việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Qua kết quả giám sát và qua báo cáo của Chính phủ, ĐBQH và cử tri chắc chắn sẽ đặt câu hỏi với thành viên Chính phủ về kết quả thực hiện chất vấn.

Tôi nghĩ, đây là thước đo chính xác về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng thành viên Chính phủ.

Vậy theo ông, 4 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phụ trách chưa?

Việc đánh giá, nhận định hãy đề cử tri thực hiện mới khách quan. So với yêu cầu đặt ra, tôi nghĩ, mỗi cử tri, mỗi ĐBQH cũng đã có nhận đinh, đánh giá của riêng mình.

Ví dụ, Nghị quyết giao Bộ Công thương phối hợp rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện, trong đó xác định rõ dự án nào phải dừng, phải điều chỉnh, được tiếp tục triển khai; có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối các công trình thủy điện, trồng rừng thay thế…

Đến thời điểm này, Bộ Công thương đã làm được bao nhiêu phần việc trong những công việc nêu trên chắc cử tri và ĐBQH cũng đã biết và có đánh giá.

Hay như Bộ Xây dựng được giao tập trung giải quyết tình trạng “đóng băng” thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu; có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp; bảo đảm đến cuối năm 2013 tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Những gì mà Bộ Xây dựng làm được, chưa làm được từ đầu năm đến nay chắc cử tri và ĐBQH cũng đã biết và có đánh giá, nhận định.

Tương tự, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được giao trách nhiệm bảo đảm cung ứng vốn cho những ngành sản xuất, mặt hàng quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải gắn với giải quyết nợ xấu, giảm nợ xấu; làm tốt công tác quản lý thị trường vàng, bảo đảm lợi ích của người dân, không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế…

So với yêu cầu đặt ra, cả 4 thành viên Chính phủ làm được chưa nhiều. Vậy tại Kỳ họp này, Quốc hội có có nên ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn không, thưa ông?

Việc Quốc hội ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ là sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, không chỉ là thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, mà còn là yêu cầu của cử tri cả nước đối với từng vị bộ trưởng, trưởng ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc có ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn hay không sẽ do Quốc hội quyết định sau khi kết thúc phiên chất vấn. Tôi cho rằng, nếu thấy cần thiết, Quốc hội vẫn ra Nghị quyết về vấn đề này, bởi 4 vị trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 chưa chắc đã trả lời chất vấn trong Kỳ họp này và ngược lại, cũng sẽ có các vị bộ trưởng, trưởng ngành khác tham gia chất vấn trong Kỳ họp này nên cần phải có Nghị quyết làm thước đo việc lời hứa của các vị với cử tri cả nước.

Hơn nữa, việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn cũng góp phần thúc đẩy các vị “tư lệnh ngành” làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Bốn vấn đề đốt nóng nghị trường
Hôm nay, (20/5), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc, khởi đầu kỳ họp diễn ra trong 33 ngày. Trong đó, có 4 vấn đề nóng được dư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư