Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiểm tra phân bón bằng miệng thì kiểm tra thuốc sâu bằng gì?
Mạnh Bôn - 17/11/2014 18:06
 
 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thực sự gây sốc khi trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá rằng, lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái nhiều khi phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Bên hành lang Quốc hội, bà Khá đã chia sẻ với Báo Đầu tư điện tử - và một số cơ quan báo chí liên quan đến nội dung này.
TIN LIÊN QUAN

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã gây sốc khi cho biết, nhiều khi lực lượng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái phải kiểm tra chất lượng phân bón bằng… miệng. Bà cũng thực sự gây sốc khi chất vấn lại Bộ trưởng rằng, vậy kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng gì?

Tôi và có lẽ hầu hết các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước thực sự quá bất ngờ khi biết thông tin do chính Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cung cấp công khai là có chuyện kiểm tra chất lượng phân bón bằng miệng. Tôi không hiểu khi kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật thì cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại (cụ thể ở đây là cơ quan quản lý thị trường trực thuộc ngành công thương) kiểm tra bằng gì.

Cơ quan quản lý nhà nước không thể thiếu phương tiện kiểm định chất lượng đến nỗi phải dùng miệng để kiểm định chất lượng hàng hóa.

  Kiểm tra phân bón bằng miệng thì kiểm tra thuốc sâu bằng gì?  
  Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá  

Kiểm định phân bón bằng miệng, chắc là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói đùa. Bà có nghĩ như vậy không?

Phát biểu trước Quốc hội, trước toàn thể cử tri cả nước, Bộ trưởng không thể nói đùa. Tôi nghĩ, phát biểu thế nào, phát biểu cái gì, Bộ trưởng đã biết, nên không thể có chuyện nói đùa.

Và tôi chất vấn lại Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng rằng: “Vậy kiểm tra thuốc trừ sâu thì kiểm tra bằng gì” cũng không hề nói đùa. Anh có thể nói đùa ở chỗ nào chứ không thể nói đùa trên Quốc hội, đặc biệt là trước hàng triệu cử tri đang theo dõi trực tiếp thì càng không thể nói đùa được.

Tôi nghĩ rằng, có thể Bộ trưởng nói, ở đâu đó, trong thời điểm nhất thời nào đó, người nông dân nào đó có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa nào đó bằng cách nếm thử, nhưng cơ quan quản lý nhà nước thì không thể kiểm định hàng hóa bằng cách này được.

Bà có vẻ rất bức xúc trước thông tin này?

Cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý biết bao nhiêu mặt hàng, diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp các tỉnh thành mà không có phương tiện để làm việc đến nỗi dùng miệng của chính để kiểm định chất lượng hàng hóa thì không thể chấp nhận được.

Tôi muốn Bộ trưởng Bộ Công thương phải làm rõ vấn đề này và trả lời cho cử tri biết thì người sản xuất mới tin tưởng, người tiêu dùng mới tin tưởng. Không phải tôi mà chắc chắn là có rất nhiều cử tri đặt câu hỏi, với công nghệ kiểm định bằng… miệng thì biết đến bao giờ mới đẩy lùi được hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng mất phẩm chất?

Là đại biểu Quốc hội, nhưng bà cũng là người nội trợ, người tiêu dùng. Bà nghĩ thế nào nếu quản lý thị trường cũng phải kiểm tra chất lượng hàng hóa bằng miệng?

Không có thiết bị chuyên dùng, không hiểu cơ quan quản lý thị trường có dùng lưỡi để kiểm tra chất lượng lương thực, thực phẩm đặc biệt là hàng tươi sống như thịt bò, thịt lợn, gà, cá, ngan, ngỗng…được không? Chắc là không cán bộ quản lý thị trường nào dám dùng lưỡi của mình để kiểm nghiệm những mặt hàng thực phẩm tươi sống xem có bị ướp chất bảo quản, u rê, thuốc trừ sâu hay không. Chính vì vậy, với tư cách là người nội trợ, người tiêu dùng tôi rất lo sợ vấn đề an toàn thực phẩm.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi không hài lòng với thông tin mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra nên tôi sẽ phải làm rõ vấn đề này.

Vấn đề là đầu tư vào trang thiết bị, máy móc kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa rất tốn kém vì có hàng ngàn mặt hàng phải kiểm định nên ngân sách không thể “kham” nổi, thưa bà?

Đúng là ngân sách không thể cấp đủ trang thiết bị, máy móc để kiểm tra hàng ngàn mặt hàng, nhưng chúng ta có cơ chế. Đó là cơ chế “dùng đậu để nấu đậu”.

Tức là sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính; tiền bán hàng hóa, phương tiện buôn lậu; sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng buôn lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng để mua sắm trang thiết bị, máy móc và trang trải cho lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Số tiền xử phạt vi phạm hàng chính trong lĩnh vực này rất lớn, nếu Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất, tôi chắc là Quốc hội sẽ đồng tình.

Nhưng không thể đầu tư, xây dựng trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước vì chi phí vận hành bộ máy hành chính rất tốn kém?

Chính vì vậy phải khoanh vùng; phải xác định trọng tâm, trọng điểm. Vùng nào, mặt hàng nào được xác định là trọng tâm, trọng điểm thì thành lập trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm ở địa phương đó chứ không phải địa phương nào cũng thành lập trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa được.

Tôi nghĩ xác định mặt hàng trọng điểm, địa phương trọng điểm để thành lập trung tâm, hoặc chi nhánh trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa không khó vì việc xác định những mặt hàng thường bị làm giả, làm nhái, dễ buôn lậu, gian lận thương mại rất dễ dàng.

Và đây là nhiệm vụ của Bộ Công thương, thưa bà?

Chống hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng không phải là trách nhiệm của một mình Bộ Công thương mà của các bộ ngành.

Nhưng Bộ Công thương phải nắm vai trò đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói là kiểm tra chất lượng phân bón bằng miệng đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của Bộ này thế nào trong công tác tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư