Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiên Giang: Bó tay trước tờ vé số giả 1,5 tỷ đồng
Huy Thịnh - 29/07/2013 14:34
 
 Vụ vé số giả trúng giải đặc biệt trị giá 1,5 tỷ đồng ở tỉnh Kiên Giang đã kéo dài hơn hai năm qua, đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử để làm rõ vụ việc. Trong khi đó, bên nguyên đơn (người đi lãnh giải) ngày lâm vào cảnh khốn khó, sống nương tựa vào người thân và hàng xóm đùm bọc để lo đi khiếu kiện.

Niềm vui vụt tắt

Vào ngày 21/7/2011, bà Nguyễn Thị Tuyết nhận được điện thoại của con là Nguyễn Thành Được bán vé số dạo ở TX Hà Tiên báo tin đã trúng một tờ vé số giải đặc biệt (1,5 tỷ đồng), mở thưởng vào ngày 21/7/2011 của Công ty Xổ số kiến thiết An Giang.

Ngay trong buổi chiều hôm đó bà Tuyết cùng người thân đi xe gắn máy vượt hơn 100km từ huyện Châu Thành (Kiên Giang) đến phòng trọ của con ở TX Hà Tiên.

Vé số gây tranh cãi giữa gia đình bà Tuyết và Đại lý vé số Triều Phát

“Sau chặng đường dài không biết mệt, hai mẹ con vui mừng vì từ nay số phận đã thay đổi. Cả đêm hai mẹ con không ai ngủ được, tôi vừa xoa dầu bóp chân bị dị tật bại liệt cho con, vừa “canh giữ” tờ vé số đã được dò đi dò lạy nhiều lần qua 4 tờ giấy dò, mong cho trời mau sáng để về TP Rạch Giá lãnh giải. Trong đêm đó, con tôi mua nhiều trái cây và ít tiền dành dụm được đem tặng cho một số người nghèo bán vé số dạo gần phòng trọ để ngụ ý chia tay”, bà Tuyết kể lại.

Theo bà Tuyết, hàng ngày con bà đều mua của đồng nghiệp một tờ vé số để “lấy hên”. Không ngờ, buổi chiều hôm đó, tấm vé con bà mua của một nam thanh niên bán vé số dạo tại chợ cá Hà Tiên đã gặp được may mắn là trúng giải độc đắc.

Thế nhưng, niềm vui đó chỉ tồn tại được một đêm, khi sáng hôm sau, mẹ con bà đến Đại lý vé số Triều Phát ở TP Rạch Giá chuẩn bị nhận tiền thì chủ đại lý đưa ra tờ vé số giả, và mắt thường ai cũng dễ nhận biết. Vì chữ số đầu và số cuối cắt của tờ vé số khác dán đè lên không đều và dày cộm. Bà Tuyết như muốn ngất xỉu và nhiều người thân (có cả trẻ em) đi cùng rất bất ngờ và bàng hoàng…

Hoàn cảnh bà Tuyết đã thôi chồng trên 20 năm, hàng ngày đi làm thuê, cắt lúa mướn không đủ nuôi thân. Thấy cảnh bà quá nghèo, người bà con ở xã Mong Thọ A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho bà Tuyết ở nhờ nhiều năm nay.

Bà Tuyết có hai người con, một người con gái làm dâu bên chồng ở xa nhà, và một đứa bị bệnh bại liệt là anh Nguyễn Thành Được đi bán vé số dạo ở TX Hà Tiên để nuôi thân.

“Từ khi lãnh “hụt” giải đặc biệt đến nay, gia đình bà Tuyết càng thêm túng thiếu vì bỏ công ăn viêc làm và vay nóng tiền để theo đuổi vụ kiện. Thấy vậy, bà com lối xóm gom tiền cho mượn để sinh sống và làm lộ phí. Mới đây, chính quyền địa phương đã xây cho bà căn nhà trị giá 20 triệu đồng để bà không phải ở nhờ nhà người quen nữa”, người hàng xóm bà Tuyết cho biết.

Vé số giả từ đâu ra?

Theo giải trình của các đương sự liên quan với cơ quan chức năng, vào lúc 8 giờ ngày 22/7/2011, gia đình bà Tuyết (gồm 7 người, có cả trẻ em) đến Đại lý Triều Phát, riêng bà Tuyết và người thân là ông Trần Thanh Phương đến trước và trao cho ông Ngô Xương Phúc – chủ đại lý, lúc này trong quầy có 2 người đàn ông và 2 người phụ nữ của đại lý.

Khi tiếp nhận tờ vé số, ông Phúc cùng bà Tuyết và ông Phương đi đến máy soi vé số và ông Phúc nói là vé số thật và trúng giải đặc biệt. Tiếp đó, ông Phúc thu giữ tờ vé số này và đi ra quầy trao đổi với bà Tuyết để thỏa thuận về giá vàng để giao và chung tiền mặt.

Bà Nguyễn Thị Tuyết

Cũng theo lời khai của cả hai phía với cơ quan điều tra, trong quá trình trao đổi về giá vàng xong, ông Phúc đưa ra tờ vé số lật bề trái để trên bàn trước mặt bà Tuyết và điền thông tin cá nhân bà Tuyết vào tờ vé số.

Sau đó, ông Phúc đưa sang ông Phương (người đi cùng bà Tuyết ngồi kế bên) ký tên vào và ông Phúc tiếp tục cất giữ tờ vé số.

Khi chuẩn trả tiền thì ông Phúc kêu người cháu là Ngô Xuân Bình đứng gần đó mở ngăn tủ lấy vé số ra kiểm tra lại lần nữa, thì phát hiện tờ vé số giả do có số đầu là số 9 và số cuối là số 8 cắt dán đè lên tạo thành dãy số 938368.

Khi phát hiện vé số giả, đã xảy ra tranh cãi giữa hai bên, phía người thân của bà Tuyết có 7 người và phía gia đình ông Phúc - chủ đại lý có 4 người.

Sau đó đại lý vé số Triều Phát gọi Cảnh sát 113 và cơ chức năng đến lập biển bản và mời về cơ quan công an để lấy lời khai.

Tại đây, bà Tuyết yêu cầu giám định dấu vân tay tờ vé số giả, vì bà chưa hề chạm vào tờ vé số này. Bởi bà Tuyết cho rằng, trong khoảng thời gian gần 30 phút từ khi Triều Phát tiếp nhận và cất giữ trong tủ cho đến khi đưa ra quầy điền thông tin và yêu cầu người nhà bà Tuyết ký vào vé số, thì Triều Phát đã đánh tráo vé số giả.

Thế nhưng khi đó, cơ quan chức năng không thực hiện theo yêu cầu của bà Tuyết.

Dư luận đặt câu hỏi, vé số giả từ đâu ra?

Cơ quan điều tra Công an TP. Rạch Giá đang bỏ ngỏ câu hỏi này. Do vậy, đến nay mỗi bên đều cho rằng mình bị phía bên kia lừa đảo tờ vé số giả để chiếm đoạt tiền tỷ.

Trong Thông báo không khởi tố vụ án hình sự, số 13 vào ngày 14/10/2011 của Cơ quan điều tra Công an TP Rạch Giá cho biết, không xác định được tờ vé số giả từ đâu ra và phía Đại lý vé sốTriều Phát không có hành vi tránh tráo, do đó Đại lý vé số Triều Phát từ trối trả thưởng là đúng và hướng dẫn bà Tuyết khởi kiện sang vụ án dân sự.

Được biết, sau phiên hòa giải lần hai bất thành vào cuối tháng 6 vừa qua, phía Triều Phát có đơn yêu cầu Tòa án chuyển cơ quan chức năng giám định đoạn phim do camera an ninh của Triều Phát quay lại quá trình tiếp nhận vé số trúng giải. Và đề nghị này được Tòa án TP Rạch Giá chấp nhận và đã tiến hành triển khai. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 8 tháng thụ lý đơn và đã đóng án phí vụ án dân sự, nhưng vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử .

Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong những bản tin tiếp theo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư