Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kiên Giang có 3 đơn vị giải ngân vốn đầu tư công tỷ lệ 0%
Trúc Giang - 27/08/2022 14:52
 
Đó là Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng HĐND tỉnh, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, đến ngày 18/8/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 2.208.979/5.124.419 triệu đồng, đạt 43,11% kế hoạch.

Trong đó, nguồn vốn do các sở, ban ngành cấp tỉnh quản lý (chiếm 46,17% kế hoạch) có giá trị giải ngân là 1.041.138/2.366.044 triệu đồng, đạt 44,0% kế hoạch; nguồn vốn do cấp huyện quản lý (chiếm 53,83% kế hoạch), giá trị giải ngân là 1.167.840/2.758.375 triệu đồng, đạt 42,34% kế hoạch.

Một góc thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Đối với 36 công trình lớn, trọng điểm do các sở, ban ngành cấp tỉnh và các địa phương quản lý được bố trí 2.164.517/5.124.419 triệu đồng (chiếm 42,24% kế hoạch vốn năm 2022 của cả tỉnh), kết quả đến ngày 18/8/2022 giá trị giải ngân là 909.625/2.164.517 triệu đồng, đạt 42,02% kế hoạch.

Theo Bảng tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, đến ngày 18/8/2022, trong số 23 Sở, ban, ngành của tỉnh có 8 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, gồm: Trường Cao đẳng nghề (4,59%), Sở Văn hóa và Thể thao (4,14%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (3,41%), Sở Tài nguyên và Môi trường (0,93%) Trường Cao đẳng Kiên Giang (0,84%). Đặc biệt, có 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0% là: Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng HĐND tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, tỷ lệ giải ngân vố đầu tư công của tỉnh đến ngày 18/8/2022 chưa cao là do công tác chuẩn bị đầu tư (chỉ định thầu hoặc đấu thầu tư vấn khảo sát thiết kế lập dự án) ở một số đơn vị còn chậm.

Một số đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án (kể cả dự án điều chỉnh) năng lực hạn chế (khi lập dự án khái toán tổng mức đầu tư thấp, đến khi thực hiện một số dự án tăng tổng mức đầu tư quá cao) dẫn đến công trình không thể triển khai tiếp để chờ xin chủ trương điều chỉnh dự án;

Một số đơn vị (các huyện, thành phố) còn chia thành quá nhiều danh mục công trình nhỏ lẻ (cá biệt có nhiều công trình tổng mức đầu tư chỉ từ hơn 100 triệu đồng) gây khó khăn cho công tác quản lý dự án làm tăng chi phí chuẩn bị đầu tư… Từ đó, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân chung của mỗi đơn vị và hiệu quả sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa được giải quyết triệt để, việc phối hợp giữa chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, UBND huyện, thành phố và các Sở, ngành có liên quan còn chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt, xử lý các khó khăn, vướng mắc còn chậm làm ảnh hưởng đến việc giao mặt cho nhà thầu thi công đúng theo tiến độ của hợp đồng.

Việc triển khai thực hiện dự án còn chậm (một số dự án lớn đến nay chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu để thực hiện thi công hoặc tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm).

Đặc biệt, đối với các dự án sử dụng vốn từ nguồn sử dụng đất, thực tế đã bị hụt thu từ năm 2021 do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, dự kiến năm 2022 nguồn thu tiền sử dụng đất vẫn không đạt (phần lớn là các dự án tại TP. Phú Quốc) nên ảnh hưởng giải ngân đến các dự án.

Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng trong năm 2022 biến động lớn dẫn đến các nhà thầu thi công gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến khả năng giải ngân.

Điểm nghẽn trong thu hút FDI vào Kiên Giang
Kiên Giang thu hút được nhiều dự án, nhưng đa số là nhà đầu tư nhỏ, địa bàn thu hút đầu tư chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư