Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kiên Giang điều chỉnh giảm số tiền chậm nộp 1.397 tỷ đồng của nhà đầu tư
Huy Thịnh - 05/09/2020 08:31
 
Trước và sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về tiền chậm nộp của nhà đầu tư là 2.312 tỷ đồng, đến nay, Kiên Giang thu theo hạn nộp và điều chỉnh giảm được 1.397 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình của Cục Thuế Kiên Giang, trước và sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (ngày 27/4/2020) về tiền chậm nộp của nhà đầu tư là 2.312 tỷ đồng, đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thu theo hạn nộp và điều chỉnh giảm được 1.397 tỷ đồng.

.
Huyện đảo Phú Quốc - nơi phần lớn các doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền cho thuê đất.

Vì sao nhà đầu tư chậm nộp?

Theo báo cáo giải trình và kiến nghị của Cục Thuế Kiên Giang, đa số là chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền cho thuê đất xảy ra chủ yếu ở huyện đảo Phú Quốc. Nguyên nhân vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan kéo dài trong 5 năm (2011-2017).

Hầu hết giai đoạn này, các nhà đầu tư đã có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008-2012, làm thủ tục xin giao đất trong thời kỳ Luật Đất đai 2003. Các trường hợp chậm nộp là do trải qua hơn 6 năm làm thủ tục mới được giao đất, khi giao đất sạch thì rơi vào thời kỳ chuyển giao giữa hai Luật Đất đai (2003-2013) và Luật Đầu tư (2005-2015). 

Trong khi đó, giai đoạn này, Phú Quốc còn hoang sơ, chưa có doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Kiên Giang kêu gọi thu đầu tư, nhưng chưa có vốn để bồi thường cho dân. Từ đó, các nhà đầu tư tập trung ứng trước tiền bồi thường theo phương án đã được phê duyệt và đã được Nhà nước giao đất theo quy mô dự án trước ngày 1/7/2014. 

Sau thời gian này, đa số các dự án chỉ được giao một phần mặt bằng thực địa do đất nhà nước quản lý hoặc đất đã bồi thường cho dân đến đâu giao đến đó và các nhà đầu tư vẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, mặc dù dự án nhận đất không liền kề nhau (da beo nên khó thực hiện được dự án). Sau đó, tại huyện Phú Quốc xảy ra tình trạng chiếm đất, tái chiếm sau khi nhận bồi thường, giá đất lên cao nên công tác bồi thuờng của UBND huyện Phú Quốc gặp nhiều khó khăn và chậm giao đất cho nhà đầu tư. 

Việc thay đổi quy hoạch (giảm diện tích bờ biển) và chậm bàn giao thực địa cho nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư về miễn giảm tiền sử dụng đất theo pháp luật quy định. Như vậy, cùng trên một địa bàn huyện Phú Quốc, nhưng nhà đầu tư nào được giao đất trước thì được hưởng chính sách ưu đãi, còn nhà đầu tư nào bị chậm trễ trong giao đất thì không còn chính sách ưu đãi làm mất đi khả năng cạnh tranh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, trong thời gian chuyển tiếp pháp luật hay chậm giao đất, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang vận dụng các quy định được Chính phủ, các bộ ngành ban hành để áp dụng cách tính tiền sử dụng đất và thuê đất cho công bằng với các doanh nghiệp trước đó đã được ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, một số quy định hướng dẫn chưa rõ, do vậy, khi Thanh tra Chính phủ không chấp nhận một số trường hợp áp dụng của tỉnh Kiên Giang, nên phát sinh một số khoản tiền chưa thu phải tính lại và tăng lên.

Đã điều chỉnh, khắc phục đến đâu?

Sau khi có Kết luận thanh tra số 602/TB-TTCP ngày 27/4/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoán sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (thời kỳ 2011 – 2017), vào tháng 6/2020, Cục Thuế Kiên Giang có văn bản báo cáo khắc phục và giải trình, kiến nghị Thanh tra Chính phủ.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nợ đọng tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đến ngày 31/12/2017 là 1.570 tỷ đồng. Sau đó, Cục Thuế tỉnh đã có báo cáo số 96/BC-CT ngày 2/8/2018 về báo cáo nợ đọng đến khi kết thúc đoàn Thanh tra, Cục Thuế tỉnh đã khắc phục được trên 983,5 tỷ đồng, số còn nợ thực tế tại thời điểm kết thúc Thanh tra là trên 586,4 tỷ đồng.

Đến 31/8/2020, Cục Thuế Kiên Giang tiếp tục rà soát đối với các doanh nghiệp bị điều chỉnh do thu hồi đất, chuyển đổi hình thức từ giao đất sang thuê đất, từ trả tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất sang thuê đất trả tiền hàng năm, các doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp mất nhưng chưa thu hồi quyết định giao, cho thuê đất và một số doanh nghiệp đã khắc phục do thông báo chưa đến kỳ nộp.... với tổng số tiền 1.397 tỷ đồng. 

Số còn lại bao gồm khoảng 700 tỷ đồng thuộc diện được UBND tỉnh, Chính phủ và Thanh tra Chính phủ cho phép ra soát, đối chiếu lại, kiến nghị để xem xét miễn giảm ưu đãi đầu tư theo pháp luật quy định. Do đó, đến thời điểm hiện nay, số tiền chưa khắc phục giảm xuống chỉ còn 205,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình của Cục Thuế Kiên Giang cho biết, trong số 700 tỷ đồng còn đang chậm nộp này, hiện các doanh nghiệp đã nộp đơn giải trình và đang kiến nghị đến Chính phủ và được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xem xét kiến nghị và báo cáo Chính phủ đối một số trường hợp với tổng tiền là 349,2 tỷ đồng, trong đó, xem xét việc miễn giảm 50% tiền sử dụng đất theo chính sách ưu đãi đầu tư của 2 dự án có tổng số tiền 255,8 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận là trong khoản thời gian từ khi kết thúc thanh tra và ký Kết luận Thanh tra mất gần 3 năm, tỉnh Kiên Giang vừa kiến nghị vừa rà soát và đôn đốc các doanh nghiệp, các cơ quan làm nhanh thủ tục để thu hồi đáng kể số tiền nghĩa vụ tài chính của các nhà đầu tư. Trong đó một số trường hợp chính quyền thu tiền phạt chậm nộp hàng chục tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư