Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kiên Giang: Thực hiện 3 nhóm giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư
Trúc Giang - 09/09/2021 20:25
 
Cải cách hành chính; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là 3 nhóm giải pháp chính được tỉnh Kiên Giang thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kiên Giang thu hút nguồn lực hiệu quả để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: TP. Rạch Giá sôi động khi  Covid-19 chưa bùng phát
Kiên Giang thu hút nguồn lực hiệu quả để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: TP. Rạch Giá sôi động khi Covid-19 chưa bùng phát

Tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng

Kiên Giang có tiềm năng đa dạng để thu hút đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, với xu thế trong bối cảnh mới hiện nay, địa phương luôn xác định, nếu chỉ có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đất đai, thì chưa đủ tạo nên sức hấp dẫn, mà vấn đề quan trọng là cần phải tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, xem đây là “chìa khóa” để thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác thế mạnh của địa phương.

Từ nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, trọng tâm là tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh với chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”.

- Trong năm 2020, tỉnh Kiên Giang đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 49 dự án, với tổng vốn đăng ký 24.832 tỷ đồng, tăng 32,4% về số lượng dự án và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với năm 2019. Cũng trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh có thêm 1.400 doanh nghiệp thành lập mới.

- Tính đến ngày 20/8/2021, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỉnh Kiên Giang có 62 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 4,808 tỷ USD, đứng thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Về phát triển doanh nghiệp, tính đến ngày 15/6/2021, số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 11.098 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 142.137,8 tỷ đồng.

Để cụ thể chủ trương đó, tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ở các ngành, các cấp, từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong việc cải thiện và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), coi đó là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, mà chủ thể chính là cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc cải thiện và nâng cao PCI, lấy kết quả thực hiện làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính qua việc liên tục cập nhật, rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định đối với các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan và tác động trực tiếp, thường xuyên đến hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp, như: đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, tiếp cận điện năng... thông qua cơ chế “một cửa”, tinh gọn đầu mối tiếp nhận, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Hiện nay, thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Kiên Giang đã được rút ngắn đáng kể. Cụ thể, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mới rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 1,5 ngày; thủ tục đăng ký thay đổi doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 0,5 ngày. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, đầy đủ, đúng quy định trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trụ sở làm việc của các cơ quan, địa phương, đơn vị, Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Định kỳ hằng năm, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị “Họp mặt doanh nghiệp” nhằm tôn vinh, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Bên cạnh đó, mỗi năm ít nhất 2 lần, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp với sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang làm tốt công tác đối thoại với doanh nghiệp. Hoạt động này được tổ chức rất thiết thực, hiệu quả, từ khâu khảo sát, tiếp nhận ý kiến, phân loại, tổng hợp, chuyển trả lời đến các cơ quan liên quan… Thông qua các buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh trực tiếp nghe đề xuất, hiến kế của doanh nghiệp; giao Trung tâm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để phân công các sở ngành, địa phương hướng dẫn, trả lời doanh nghiệp cụ thể.

Những buổi đối thoại đã cho thấy, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang rất quyết tâm trong việc tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, từ đó kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Song song đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã thực thi các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển qua việc ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và ban hành Kế hoạch thực hiện.

Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với đại dịch.

Là một trong những cơ quan tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường… Hàng năm, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 10 - 15 hội chợ, triển lãm thương mại, đầu tư và du lịch ở trong nước; kết nối để đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị; thường xuyên cập nhật, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã lên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh.

Những nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng đã giúp Kiên Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu tư về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kiên Giang thu hút nguồn lực hiệu quả để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: TP. Rạch Giá sôi động khi  Covid-19 chưa bùng phát
Kiên Giang có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch

Tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề

Năm 2020, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của Covid-19, tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang vẫn đạt kết quả khả quan, song PCI không được như mong muốn. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, điểm tổng hợp PCI của Kiên Giang đạt 60,01 điểm, giảm 4,98 điểm so với năm 2019, đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 27 bậc) và xếp hạng 12/13 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo phân tích, có nhiều yếu tố khiến PCI năm 2020 của Kiên Giang bị tụt hạng. Về chủ quan, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở một số sở, ban, ngành, địa phương còn lơ là, chưa thực sự quyết tâm trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao PCI. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, so với các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, thì nhiệm vụ, khối lượng công việc của tỉnh Kiên Giang là rất lớn, khó đáp ứng cùng lúc, do đặc thù vị trí địa lý, tiềm năng gắn với an ninh quốc phòng…

Với mục tiêu cải thiện điểm số, nâng cao PCI trong năm 2021 và những năm tiếp theo, đưa Kiên Giang trở lại nhóm “khá” trên cả nước, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, kịp thời xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc.

Về giải pháp thực hiện, bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, tỉnh xác định tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề chính, đó là: cải cách hành chính; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Cụ thể, đối với công tác cải cách hành chính, phải giải quyết đúng thời hạn; đảm bảo theo quy định pháp luật; có giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ tục; chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đối với vấn đề công khai, minh bạch, phải đa dạng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng công nghệ thông tin, nhất là các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng, đô thị; danh mục dự án thu hồi đất.

Đối với trách nhiệm giải trình, tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kịp thời.

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo chia sẻ: “Cùng với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống kết nối giao thông, kết cấu hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp và tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư”.

 

Kiên Giang lập Ban Chỉ đạo cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách, hành chính
Tỉnh Kiên Giang vừa thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện và nâng cao các Chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư