Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Kiến nghị người nước ngoài “núp bóng“ mua đất tại Việt Nam được tiếp thu thế nào?
Nguyễn Lê - 30/10/2020 15:07
 
Cử tri Đà Nẵng không thống nhất với quan điểm của Bộ Xây dựng trong việc đề xuất “cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch ở Việt Nam“.
TIN LIÊN QUAN
.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà hơn một lần nhận được ý kiến về người nước ngoài "núp bóng" sở hữu đất đai tại Việt Nam.

Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri Đà Nẵng bày tỏ không thống nhất với quan điểm của Bộ Xây dựng trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản theo hướng “cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch ở Việt Nam“.

Kiến nghị của cử tri là Chính phủ cần tăng cường theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng người nước ngoài “núp bóng" cá nhân trong nước để mua đất tại Việt Nam, nhất là các khu vực ven biển, nhạy cảm về an ninh – quốc phòng.

Đang tổng kết, đánh giá

Theo văn bản trả lời cử tri của Bộ Xây dựng, hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa có trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 của Quốc hội.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật này trong thời gian tới (dự kiến sẽ đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2022-2023), Bộ Xây dựng đang chủ động tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thi hành cả 2 luật.

“Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri Đà Nẵng để nghiên cứu, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nhưng vẫn bảo đảm an ninh – quốc phòng của đất nước”, văn bản trả lời nêu rõ.

Về kiến nghị của cử tri với Chính phủ,  Bộ Xây dựng dẫn ra hàng loạt văn bản của Chính phủ, chỉ đạo về việc này.

Theo đó, các địa phương được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là khâu thẩm định, cho phép các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn.

Các địa phương phải chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện quản lý chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam lợi dụng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” trong kinh doanh, sử dụng bất động sản, đặc biệt chú trọng các khu vực nhạy cảm, quan trọng đối với an ninh quốc phòng.

Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về tình hình diễn biến của thị trường bất động sản, về các giao dịch bất động sản có yếu tố nước ngoài đáng ngờ để có biện pháp xử lý.

Hiện nay, UBND các tỉnh/thành phố đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc nêu trên.

Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, các cơ quan chức năng đang tiếp tục tiến hành kiểm tra, xử lý các dự án tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng - an ninh do người nước ngoài “núp bóng” cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng đã có chỉ đạo giải quyết toàn diện, hiệu quả vấn đề này.

Về lâu dài, để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật trong việc tăng cường vai trò quản lý, kiểm sát tổ chức, cá nhân nước ngoài mua bất động sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN-MT trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật Đất đai và sẽ chủ động đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Đã có báo cáo gửi Thủ tướng

Cùng mối quan tâm, cử tri TP.HCM kiến nghị cần sớm có quy định pháp luật cụ thể để ngăn chặn các chiêu thức của người Trung Quốc lách luật bằng cách thông qua việc bỏ tiền nhờ người Việt Nam mua đất và đứng tên hoặc lợi dụng hình thức góp vốn bằng đất, rồi họ có quyền sở hữu vốn góp là quyền sử dụng đất đó thì quyền sở hữu đối với tài sản là đất rất lớn. Việc này nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập và gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Văn bản trả lời cho biết, theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành (khoản 2 điều 58 luật Đất đai, điều 13 và khoản 2 điều 42 Nghị định số 43/2014, khoản 26 điều 2 Nghị định số 01/2017), trường hợp dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Đối với trường hợp mua, bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất thì phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Nguyên tắc của việc sử dụng đất là phải đúng đối tượng sử dụng đất mà luật Đất đai đã quy định. Trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên là không đúng đối tượng và vi phạm pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên - Môi trường : “trên thực tế các cơ quan quản lý đất đai tại các địa phương rất khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm này theo quy định của pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải có các cơ quan chuyên môn về điều tra vào cuộc để có thể phát hiện và xử lý”.

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên - môi trường và một số bộ, ngành liên quan đã tiến hành kiểm tra, rà soát và đã có báo cáo gửi Thủ tướng.

Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương tổ chức nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế; đồng thời, chấn chỉnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật để khắc phục những tồn tại, bất cập mà cử tri đã nêu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư