Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững
Song An - 20/09/2023 08:41
 
Nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề lớn đang cần đáp án từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu Quốc hội, nhằm kiến tạo động lực cho tăng trưởng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Ba vấn đề lớn đang cần đáp án

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra hôm qua (19/9), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực lớn từ bên ngoài.

Trong đó, đầu tư công được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, nhưng chưa đạt kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng không còn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, nhưng đang suy giảm, quý I/2023 giảm 0,49%; 6 tháng đầu năm tăng thấp, chỉ đạt 0,44%...

“Đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu “tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” như chủ đề của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội nêu 3 vấn đề cần tập trung giải đáp.

Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới; cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo.

Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay thực sự như thế nào? Dự báo cho năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?

Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nêu rõ sự cần thiết tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Ba vấn đề quan trọng được ông Thắng đề cập là cần đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước, khôi phục dòng vốn đầu tư và tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan tỏa, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.

“Thực tiễn cho thấy, cuối cùng là niềm tin, chứ không phải các quy định hành chính mới quyết định khả năng kiểm soát rủi ro và ổn định thị trường trong những thời điểm nhạy cảm của hệ thống tài chính - ngân hàng. Nhận thức rõ điều này để có các chính sách phù hợp, phân loại rõ đối tượng, xác lập hoạt động cần hạn chế hay khuyến khích, điều hành thống nhất thay vì thay đổi giật cục, hoặc áp dụng một chính sách chung cho tất cả, không rõ đối tượng, thiếu tính cụ thể, thậm chí chỉ như một lời khuyến cáo. Việc làm trong sạch thị trường cần đi đôi với tạo lập môi trường thuận lợi, công bằng để khuyến khích mọi chủ thể kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn.

Sáu động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

Xoay quanh chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề cập khá toàn diện các vấn đề được Chủ tịch Quốc hội và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gợi mở.

Sáu động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế đã được TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề cập, dựa trên xu thế vận động mới của kinh tế toàn cầu sau Covid-19 và xung đột tại Ukraine.

Thứ nhất, động lực từ xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Các chuyên gia tính toán, với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25-30% GDP và đóng góp khoảng 0,63-1,35 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP hằng năm.

Thứ hai, động lực đến từ nâng cao năng suất lao động và năng suất nhân tố tổng hợp - TFP (hay gia tăng chất lượng). Đây vừa là động lực, vừa là giải pháp để kinh tế Việt Nam nâng cao hiệu quả và chất lượng trong những năm tới.

Nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, với đà này, cùng với việc phát huy tốt các động lực tăng trưởng, năng suất lao động Việt Nam sẽ tăng khoảng 4,5-5% trong giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6-6,5% trong giai đoạn 2026-2030 (mục tiêu là 6,8-7%). Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 40-45% trong giai đoạn 2021-2025 và 50-55% trong giai đoạn 2026-2030.

Thứ ba, động lực từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế, bổ sung và làm giàu các nguồn lực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được. Tuy nhiên, cần có đột phá về cơ chế, chính sách thì khu vực này mới có thể đóng góp khoảng 45% GDP đến năm 2025 và 50-55% GDP đến năm 2030 (cận dưới của mục tiêu đóng góp 55-65% GDP theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, động lực từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Đây có thể đánh giá là động lực đột phá, nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất, bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh - đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế đã được thực tế và khoa học chứng minh có tác động tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 0,05-0,27 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm (tùy theo quy mô và chất lượng hoàn thiện thể chế).

Thứ năm, động lực từ lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam. Kinh tế xanh là một nền kinh tế dựa trên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021-2050.

Thứ sáu, động lực từ quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường và đối tác mới; từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy từ việc tăng sản xuất, xuất khẩu, thu nhập, việc làm và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện tại, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp tăng thêm 2-3% GDP của Việt Nam mỗi năm, nhóm nghiên cứu dẫn con số đáng chú ý.

Khai thác hiệu quả 4 trụ cột tăng trưởng là vấn đề được chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ông Lịch cho rằng, trong bài toán phát triển, cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao như một quyết tâm chính trị để tính bài toán ngược lại về nguồn lực và động lực. Bốn trụ cột kinh tế cần được khai thác hiệu quả nhằm tăng cường năng lực nội sinh được ông Lịch đề cập gồm:

Một là, nền nông nghiệp nhiệt đới, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thông qua đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Hai là, lợi thế của kinh tế biển (bao gồm các khu kinh tế ven biển), lợi thế của quốc gia “mặt tiền biển”, phát triển các khu kinh tế ven biển và dịch vụ cảng - logistics.

Ba là, phát triển ngành công nghiệp du lịch nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến của du lịch toàn cầu.

Bốn là, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa (đây là dư địa rất lớn khi Việt Nam đô thị hóa chưa đến 40%).

Hành động chính sách cho chặng đường kế tiếp của Việt Nam

- TS. Judy Yang, TS. Matthew Wai-Poi (Ngân hàng Thế giới)

Chặng đường kế tiếp của Việt Nam là cuộc hành trình đến với mức sống của các quốc gia có thu nhập cao. Đối với xã hội, điều này có nghĩa là tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn để xây dựng tầng lớp trung lưu mạnh mẽ, đồng thời mở rộng sự hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương về kinh tế.

Hàng triệu người đã thoát nghèo trong thập kỷ qua giờ đây cần tiếp tục leo lên nấc thang kinh tế mới, tham gia mạng lưới an toàn để ngăn họ tái nghèo và được trang bị vốn nhân lực, kỹ năng cần thiết để có thể tham gia các công việc có năng suất cao và tinh vi hơn.

Các hành động chính sách cho chặng đường kế tiếp bao gồm đầu tư vào các kỹ năng cho tương lai, đầu tư vào giáo dục chất lượng cao, hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội có tính thích ứng và xây dựng chính sách tài khóa có tính bao trùm.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ đạt mục tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư