Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 01 tháng 11 năm 2024,
Kiến tạo tương lai bền vững
 
Xuân Nhâm Dần 2022 đã về tới mọi miền trên mảnh đất hình chữ S. Cho dù Covid-19 có gây xáo trộn đến đâu, thì chúng ta vẫn sẽ đi về phía tương lai với nhiều kỳ vọng, mong đợi.
Nhiều cơ hội của nền kinh tế đang được mở ra

Đó là mong đợi dịch bệnh được kiểm soát, Covid-19 không còn là nỗi ám ảnh.

Đó là mong muốn mọi hoạt động trong nền kinh tế được khơi thông, những đứt gãy được kết nối, doanh nghiệp mở cửa trở lại; người lao động có việc làm, có thu nhập; học sinh được đến trường; người Việt Nam ở nước ngoài có thể về quê hương yêu dấu…

Đó là kỳ vọng chặng đường phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm 2022, khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện với quyết tâm và đồng thuận cao nhất của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, của người dân.

Đây là những điều mà hai năm trước, thậm chí là một năm trước không có trong hình dung của hầu hết mọi người. Trong thế giới VUCA (biến động, bất ổn, phức tạp, mơ hồ), tương lai nhiều khi chỉ là 3 hay 5 năm, thay vì 10 năm hay xa hơn như trước. Cũng có nghĩa, ai nắm được xu thế, dám nghĩ khác, làm khác, chấp nhận thay đổi, sẵn sàng vượt qua giới hạn bản thân, vượt qua vòng an toàn, thậm chí là dám quên đi những thành công trong quá khứ, người đó sẽ làm chủ tương lai.

Nền kinh tế Việt Nam cũng vậy. Doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy!

Chúng ta đang trong thập kỷ thứ tư của công cuộc Đổi mới, với mục tiêu sẽ vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào cuối chặng đường này, để từ đó đi tới khát vọng thịnh vượng 2030 - 2045. Song, Covid-19 đã làm đứt gãy nhịp tăng trưởng kinh tế, làm cho việc đạt mục tiêu nhiệm kỳ trở thành thách thức chưa từng có.

Nhưng cũng chính trong giai đoạn khó khăn này, Việt Nam đã đi rất nhanh trong nền kinh tế số, trong phát triển xanh và bền vững. Chuyển đổi số, các hoạt động kinh tế không tiếp xúc như thương mại điện tử, nộp thuế qua mạng, học tập trực tuyến… trở thành việc phải làm nếu muốn tồn tại, phát triển, thay vì là hoạt động phong trào.

Nhiều cơ hội của nền kinh tế đang được mở ra cùng với những thay đổi lớn trong tư duy quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp về việc chấp nhận bối cảnh bất thường thì phải có ứng xử bất thường. Môi trường kinh doanh, môi trường chính sách cũng thay đổi theo hướng hậu thuẫn cho sự phát triển bền vững, thuận thiên…

Đặc biệt, tinh thần vì cộng đồng, sức vươn mạnh mẽ và khát vọng thay đổi của doanh nghiệp sau dịch bệnh đang trỗi dậy, không chỉ để phục hồi, mà để ghi dấu ấn, để cắm cờ Việt Nam trên trường quốc tế.

Tương lai bền vững đang được kiến tạo, hun đúc bởi tinh thần, ý chí và nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân Việt Nam.

Chuyên gia quốc tế nói về động lực chính với kinh tế Việt Nam 2022
Ông Luke Hong, Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế trưởng về Việt Nam thuộc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 nói về động lực chính đối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư