Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 01 tháng 11 năm 2024,
Chuyên gia quốc tế nói về động lực chính với kinh tế Việt Nam 2022
Thanh Tùng (thực hiện) - 07/01/2022 09:16
 
Ông Luke Hong, Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế trưởng về Việt Nam thuộc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 nói về động lực chính đối với triển vọng kinh tế vào năm 2022.
Triển vọng đầu tư nước ngoài liên tục tăng là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam
Triển vọng đầu tư nước ngoài liên tục tăng là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam

Ông Luke Hong, Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế trưởng về Việt Nam thuộc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO), trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên như thế nào, cũng như các động lực chính đối với triển vọng kinh tế vào năm 2022.

Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 2,58% năm 2021. Ông đánh giá thế nào về kết quả này so với các nền kinh tế trong khu vực?

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 2,58% trong năm 2021 là thấp hơn mức trung bình 3,8% của khu vực ASEAN (không bao gồm Myanmar). Sự tăng trưởng thấp hơn là do các biện pháp giãn cách được thực hiện để đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam, đặc biệt là kể từ quý III/2021.

Ông Luke Hong, Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế trưởng về Việt Nam thuộc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO)
Ông Luke Hong, Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế trưởng về Việt Nam thuộc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO)

Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình trong khu vực, nhưng nó phản ánh tác động cơ bản đến từ mức tăng trưởng 2,9% của Việt Nam vào năm 2020, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế trong khu vực là âm 2,2% trong năm ngoái.

Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cho năm 2022. Theo ông, đâu sẽ là động lực chính để đạt được mục tiêu này?

Việt Nam là một nền kinh tế định hướng thương mại cao, nên một trong những động lực tăng trưởng chính cho năm 2022 sẽ là khu vực sản xuất. Nếu Việt Nam có đủ khả năng ngăn chặn đại dịch và giảm thiểu các hạn chế về di chuyển, đặc biệt là đối với các nhà máy và công nhân, thì lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài, dẫn đến việc mở rộng công suất ngay cả trong thời gian đại dịch.

Một động lực chính nữa của tăng trưởng cho năm 2022 là khu vực dịch vụ. Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi khi các hạn chế được nới lỏng cùng với việc triển khai tiêm chủng nhanh hơn, cho phép dịch vụ phục hồi cùng với lĩnh vực sản xuất.

Sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022.

Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách sâu rộng hơn, với một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Năm 2022, Việt Nam sẽ được hưởng lợi những cơ hội thương mại và đầu tư nào khi tự do hóa thương mại tiếp tục được mở rộng?

Với các FTA song phương và đa phương đã ký kết trong những năm gần đây, Việt Nam có cơ hội hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn do các hiệp định mang lại. Trong tương lai, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích nhất từ ​​thương mại, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa và nông sản khi tự do hóa thương mại tiếp tục được mở rộng.

Điều rất quan trọng là Chính phủ phải phối hợp với khu vực tư nhân để đảm bảo sản phẩm của Việt Nam đáp ứng tiêu chí đủ điều kiện theo quy định của các FTA, chẳng hạn như quy tắc xuất xứ, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa những ưu đãi về thuế quan.

Tôi cho rằng, sự gián đoạn sản xuất kéo dài có thể dẫn đến việc chuyển nhu cầu của các đối tác nước ngoài (từ Việt Nam - pv) sang nước khác một cách tạm thời, nếu không phải là vĩnh viễn. Trong những tháng tới, doanh nghiệp cần hợp tác với Chính phủ để thực hiện các biện pháp dãn cách an toàn nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19 giữa công nhân và đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc-xin. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải giảm thiểu gián đoạn sản xuất và khám phá những cơ hội thị trường mới để có thêm nguồn lực cho tăng trưởng.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới?

Bất chấp những gián đoạn toàn cầu do đại dịch gây ra, FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Dòng vốn FDI chỉ giảm nhẹ từ 16,1 tỷ USD năm 2019, xuống còn 15,8 tỷ USD năm 2020, phản ánh tác động của sự suy giảm hoạt động FDI toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, sự sụt giảm phần nào được bù đắp bằng việc tái cấu trúc định dạng chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang các nước khác, bao gồm cả Việt Nam, nhờ vào việc kiểm soát hiệu quả tình hình Covid-19 vào năm 2020 của Việt Nam.

Ngay cả khi có sự bùng phát Covid-19 gần đây nhất, FDI đã tương đối phục hồi vào năm 2021 và dự kiến vẫn mạnh vào năm 2022. Điều này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi năng lực sản xuất đang được mở rộng để tận dụng lợi thế của sự phục hồi về nhu cầu bên ngoài cũng như xu hướng đầu tư mới nổi nhờ việc chuyển sang số hóa do đại dịch tác động. Điều này đã mang lại lợi ích cho sản xuất và xuất khẩu điện tử của Việt Nam.

AMRO có những khuyến nghị chính sách nào cho Việt Nam để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho cả khu vực công và khu vực tư nhân?

Với sự không chắc chắn liên tục về diễn biến của đại dịch và triển vọng tăng trưởng, chính sách tài khóa cần tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Trong điều kiện không gian tài chính sẵn có và với sự bất ổn kinh tế gia tăng sau đợt dịch bùng phát lớn, thì Việt Nam cần đảm bảo việc hỗ trợ tài khóa lớn hơn và đẩy mạnh các mục tiêu rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ gia đình có thu nhập thấp. Những hỗ trợ này cần phải được xem xét định kỳ về mức độ phù hợp và tính hiệu quả. Ngoài ra, điều quan trọng là phải tăng cường giải ngân đầu tư công để thúc đẩy phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi đại dịch kéo dài tiếp tục đè nặng lên nhu cầu của khu vực tư nhân.

Các chính sách tiền tệ phù hợp và chính sách an toàn vĩ mô đã hỗ trợ nền kinh tế và sẽ được duy trì trong thời gian tới. Về mặt chính sách tiền tệ, việc cắt giảm lãi suất đã làm giảm chi phí tài chính của các ngân hàng và hỗ trợ mở rộng tín dụng. Việc mở rộng phạm vi tái cơ cấu nợ và kéo dài thời hạn trích lập dự phòng rủi ro cho vay là rất quan trọng trong việc giảm bớt áp lực cho những người đi vay bị ảnh hưởng và bảo vệ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trong quá trình phục hồi kinh tế.

Trong tương lai, với triển vọng lạm phát ổn định, chính sách tiền tệ nên tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế. Giá tài sản và các điều kiện đòn bẩy cần được theo dõi chặt chẽ và cân nhắc để xác định thời điểm và cách thức điều chỉnh các chính sách. Cải cách cơ cấu cần được đẩy mạnh để thúc đẩy phục hồi kinh tế và nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Ngoài ra, cần phải có thêm nỗ lực để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế.

Khối ngoại kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam dẫn đầu ASEAN
Khối ngoại tin rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng so với khu vực trong năm 2021 và dòng chảy vốn FDI vẫn ổn định, miễn là chiến dịch tiêm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư