Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiên trì với tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đang thu trái ngọt
Thu Lê - 10/02/2022 20:38
 
Sau khoảng thời gian nỗ lực thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã và đang thu được nhiều kết quả nổi bật.
Nhà máy sản xuất của Dự án Công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 10/1/2022, rút ngắn 1/3 thời gian so với kế hoạch	Ảnh: Minh Hà
Quảng Ninh đang hưởng nhiều thành quả từ việc kiên trì phát triển kinh tế xanh, bền vững       Ảnh: Hùng Sơn

Những mảng “nâu” đã “xanh” hóa

Ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dự và phát biểu tại sự kiện khánh thành 2 công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh (cầu Tình yêu và đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn I), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Quảng Ninh là minh chứng sinh động cho việc chuyển hướng phát triển từ “nâu” sang “xanh”, khi phát triển giao thông đã đi trước một bước.

Cách đây hơn chục năm, để đi từ Hà Nội đến Quảng Ninh bằng ô tô thường mất khoảng 4 - 5 giờ, với con đường duy nhất là Quốc lộ 18. Với tỷ trọng công nghiệp xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế, ngành than đóng góp lớn cho tỉnh với tỷ lệ thu nội địa luôn chiếm hơn 60%. Tuy vậy, 240 mỏ và điểm quặng đã và đang được khai thác cũng kéo theo hàng trăm triệu tấn đất đá, nước thải ra môi trường, tác động không nhỏ đến môi trường du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển đảo, nguồn lợi thủy hải sản...

Năm 2021, các KCN, KKT của tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được gần 45.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngân sách. Riêng địa bàn do Ban Quản lý KKT tỉnh trực tiếp quản lý đã thu hút được gần 40.000 tỷ đồng, đạt 137% kế hoạch năm 2021, chiếm 94% tổng vốn FDI thu hút được của tỉnh.

Đặc biệt, các dự án này đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc hình thành chuỗi các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, điện và sản xuất công nghiệp dệt may tại các KCN, KKT trong tỉnh.

Khi còn công tác tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định, trước đây, tỉnh phát triển dựa vào ngành than, nhưng không thể phát triển mãi được. Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã nhấn mạnh “tăng trưởng kinh tế đảm bảo chỉ tiêu đề ra trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc. Nâng cao chất lượng và tỷ trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường”.

“Nút thắt” hạ tầng giao thông liên vùng đã được Quảng Ninh tháo gỡ với việc mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bằng cách chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp - một việc làm chưa từng có tiền lệ.

Năm 2018 đánh dấu sự thành công của chuỗi dự án hợp tác công - tư (PPP), khi tỉnh lần lượt khánh thành 4 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng: cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đầu tiên trong cả nước, tạo đột phá thay đổi diện mạo hạ tầng của địa phương này.

Hiện tại, tuyến đường bao biển nối từ Hạ Long đến Cẩm Phả đã hoàn thành giai đoạn I, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cũng đã được thông xe kỹ thuật. Khi “mạch máu” giao thông được khơi thông, những dự án hàng ngàn tỷ đồng của những tên tuổi lớn trong nước và quốc tế đã liên tục về với Quảng Ninh để cùng chính quyền địa phương “xanh hóa” nền kinh tế.

Du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh đã được nâng tầm đẳng cấp với Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Sunworld, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh... Quảng Ninh đã trở thành điểm đến có uy tín, thương hiệu cho các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế.

Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, ngành công nghiệp than cũng cải tiến mạnh mẽ bằng việc đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành các “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến cuối năm 2020, các đơn vị trong ngành than đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc trồng cây cải tạo phục hồi môi trường 576 ha, đưa tổng số diện tích bãi thải, khai trường đã cải tạo phục hồi môi trường lên 1.825 ha; đầu tư xây dựng 4/11 công trình đê, đập chắn ngăn ngừa trôi lấp đất đá; 25/34 công trình nạo vét hệ thống thoát; hoàn thành 57 trạm quan trắc môi trường tự động...

Quảng Ninh đã chấm dứt hoạt động Nhà máy Sàng tuyển than Nam Cầu Trắng từ ngày 1/1/2019. Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đảm bảo thực hiện di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đưa vào các cụm công nghiệp tại các địa phương. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường trong 6 năm qua cho thấy, các thông số môi trường cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Quảng Ninh đang hưởng nhiều thành quả từ việc kiên trì phát triển kinh tế xanh, bền vững	Ảnh: Hùng Sơn
Quảng Ninh đang hưởng nhiều thành quả từ việc kiên trì phát triển kinh tế xanh, bền vững Ảnh: Hùng Sơn

Tạo thêm dư địa cho tăng trưởng xanh

“Nền kinh tế Quảng Ninh tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’, theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ về chiến lược phát triển của địa phương giai đoạn 2020 - 2025.

Việc Quảng Ninh thực hiện sáp nhập thành công huyện Hoành Bồ và TP. Hạ Long đã mở ra không gian, dư địa phát triển mới cho Hạ Long và toàn tỉnh. Cùng với đó, Nghị quyết số 01-NQ/TU - nghị quyết đầu tiên được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ban hành về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã định hình rõ ràng hơn giải pháp chiến lược để phát triển bền vững.

Tín hiệu vui cho việc thực hiện tốt Nghị quyết số 01-NQ/TU là sự xuất hiện ngày càng nhiều những dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics... Những nhà đầu tư FDI tên tuổi trên thế giới như DEEP C, Amata, BW, Jinko Solar, Foxconn, Lotte, GS E&C (Hàn Quốc), Marubeni... cũng tìm về và ở lại mảnh đất này.

Năm 2021, Quảng Ninh đã vượt qua những khó khăn do tác động của Covid-19 và đạt được những kết quả thu hút đầu tư ấn tượng. Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Do ảnh hưởng từ đại dịch, các nhà đầu tư không trực tiếp đến tỉnh làm việc, khảo sát thực tế, nên chúng tôi đã làm việc chủ yếu qua điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng họp trực tuyến... Đã có 30 nhà đầu tư thiện chí tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào địa bàn khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của tỉnh. Nhiều nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, trao giấy chứng nhận đầu tư, với nguồn vốn lớn”.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của cơ quan chức năng, thậm chí làm việc xuyên Tết Nguyên đán 2021, Dự án của Jinko Solar Việt Nam đã kịp hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp giấy chứng nhận đầu tư sớm. Ngày 31/3/2021, tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh, Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có quy mô vốn hơn 11.499 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD) đã được trao giấy chứng nhận đầu tư.

Chưa đầy 6 tháng sau, ngày 19/9/2021, tại KCN Sông Khoai đã diễn ra Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thứ 2 của nhà đầu tư này. Đó là Dự án Công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, vốn đầu tư hơn 365 triệu USD. Hai dự án này cũng là 2 dự án đầu tiên mà KKT ven biển Quảng Yên thu hút được kể từ khi thành lập.

Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW mới đây cũng đã công bố thương vụ mua lại khu đất có diện tích khoảng 74.000 m2 trong KCN Bắc Tiền Phong, do KCN DEEP C phát triển tại Quảng Ninh. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý II/2023.

Ông Lance Li, Tổng giám đốc BW và bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam đều có chung đánh giá, Quảng Ninh đang có lợi thế rất lớn để đón dòng vốn FDI chất lượng cao, khi mà quỹ đất công nghiệp tại địa phương lân cận là Hải Phòng đang dần thu hẹp. Hơn nữa, Quảng Ninh lại có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và quốc tế rất tốt, lại gần thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Hơn nữa, theo bà Somhatai, việc phát triển một dự án công nghiệp tại một địa phương sở hữu di sản thiên nhiên thế giới cũng đòi hỏi những quy định khắt khe về bảo vệ môi trường. Đây là điều mà các tập đoàn kinh tế toàn cầu luôn quan tâm và ủng hộ trong chiến lược phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, đáp ứng xu thế tiêu dùng của thế giới.

Tiếp tục “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số… là con đường mà Quảng Ninh đang và tiếp tục bước đi để phát triển bền vững. Đó sẽ là giải pháp quan trọng để Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở mốc 6 năm liên tiếp (2016 - 2021) đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Quảng Ninh đón chuyến bay đầu tiên năm Nhâm Dần
Sáng 01/02 (mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022), chuyến bay đầu tiên mang số hiệu VJ230 (VietJet Air) đã đưa 126 hành khách cùng phi hành đoàn từ TP.Hồ Chí Minh ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư