Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
Kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh
Thùy Vinh - 08/11/2013 10:25
 
Nếu như mấy năm qua, dòng kiều hối chuyển về Việt Nam tập trung chủ yếu vào bất động sản, thì nay, dòng tiền này chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.  

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua các ngân hàng trên địa bàn Thành phố trong 10 tháng năm 2013 đạt gần 3,7 tỷ USD, tăng 30% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, 69% lượng kiều hối chuyển về nước chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; 21% chảy vào lĩnh vực bất động sản và 10% còn lại chủ yếu làm quà cho người thân.

Dòng kiều hối chuyển về Việt Nam không còn tập trung chủ yếu vào
bất động sản như trước mà đã chảy vào sản xuất, kinh doanh

Dự báo về nguồn kiều hối năm nay, ông Minh cho hay, khả năng khu vực TP.HCM sẽ đạt doanh số khoảng 5 tỷ USD, cao hơn so với kế hoạch dự kiến 4,5 - 4,8 tỷ USD (năm 2012 là 3,8 tỷ USD).

Sacombank vẫn duy trì vị trí là đơn vị có doanh số kiều hối hàng đầu tại Việt Nam những tháng đầu năm nay. Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) đạt doanh số 1,7 tỷ USD trong hơn 9 tháng đầu năm.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, nhiều khả năng, năm nay sẽ vượt chỉ tiêu về doanh số kiều hối và đạt mức tăng trưởng 15 - 20%, vì kiều hối chuyển về nước thường tăng mạnh trong quý IV, nhất là tháng cận Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, Công ty Kiều hối Đông Á cũng cho hay, doanh số chi trả kiều hối trong 3 quý đầu năm 2013 tương đối khả quan và dự kiến cả năm tăng 15 - 20% so với năm trước. Trong năm qua, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty Kiều hối Đông Á đạt 1,6 tỷ USD.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, Việt Nam sẽ nằm trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với lượng kiều hối là 11 tỷ USD. Ba quốc gia dẫn đầu trong top này là Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines. Riêng Ấn Độ và Trung Quốc đã chiếm gần 1/3 tổng lượng kiều hối của các nước đang phát triển trong năm nay.

WB cũng đưa ra nhận định, lượng kiều hối chuyển về các nước đang phát triển sẽ tăng mạnh trong trung hạn, với mức tăng trưởng bình quân 9%/năm và sẽ đạt mức 540 tỷ USD năm 2016.

Các công ty kiều hối xác định, thị trường xuất khẩu lao động vẫn là thị trường kiều hối tiềm năng khi hợp tác xuất khẩu lao động tiếp tục là xu hướng chung của nền kinh tế hiện đại. Trong đó, thị trường kiều hối tiềm năng nhất hiện nay vẫn là các thị trường truyền thống tại Bắc Mỹ và Australia. Doanh số kiều hối từ các thị trường này tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và chiếm trên 60% tổng doanh số kiều hối chuyển về Việt Nam trong những năm qua.

Bên cạnh đó, nguồn kiều hối cũng được kỳ vọng nhiều tại các thị trường có số lượng xuất khẩu lao động lớn và tiềm năng, như Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là các thị trường có số lượng lớn người Việt Nam đang làm việc và nhu cầu chuyển tiền về nước cho người thân luôn cao, nên nguồn kiều hối cũng được đánh giá sẽ gia tăng.

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm nay, doanh số kiều hối của thị trường Trung Quốc có dấu hiệu tăng mạnh, chiếm khoảng 5% trong tổng nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM.

Kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm nay có xu hướng được người thân gửi lại ngân hàng hoặc bán ngoại tệ lấy tiền đồng, nên đã hạn chế được lượng kiều hối tuồn ra thị trường chợ đen, góp phần ổn định tỷ giá.

Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm nay sẽ tăng 15 - 25% so với năm 2012, cao hơn so với mức bình quân những năm gần đây.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới, khi tình hình kinh tế Mỹ và các thị trường khác hồi phục trở lại. Nguồn kiều hối tăng sẽ tác động tích cực đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá hối đoái.

Kiều hối tiếp tục tăng
Theo báo cáo từ NHNN chi nhánh TPHCM, kiều hối 10 tháng đầu năm 2013 chuyển về TPHCM ước đạt 3,7 tỉ USD, bằng trên 90% của cả năm ngoái. Kiều hối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư