Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Kiều hối đã chán địa ốc
Thùy Vinh - 20/11/2013 14:36
 
Gần 70% lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu năm, khi các kênh đầu tư khác, như bất động sản, chứng khoán… không còn hấp dẫn.  

Trong thời kỳ hoàng kim của chứng khoán và bất động sản, các thị trường này đã thu hút lượng kiều hối rất lớn. Năm 2011, bất động sản là lĩnh vực hút kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% tổng doanh số kiều hối chuyển về Việt Nam.

Kiều hối đã chán địa ốc
Ước tính, gần 70% lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh
trong những tháng đầu năm

Một điểm đáng chú ý là, trong năm 2009 – 2010, khi lạm phát của Việt Nam tăng tới 17 – 19%/năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải nâng lãi suất tiết kiệm để hút tiền vào.

Chính lãi suất tiết kiệm tăng, nhất là với lãi suất tiền gửi ngoại tệ, đã thu hút lượng lớn kiều hối từ nước ngoài gửi về Việt Nam để nhờ người thân gửi tiết kiệm.

Thế nhưng, hiện nay, các thị trường chứng khoán, bất động sản èo uột, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, nên không còn sức hút đối với dòng kiều hối.

Trong tình hình như vậy, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh được xem là hiệu quả hơn. Do vậy, trong 9 tháng đầu năm, các lĩnh vực này đã thu hút gần 70% tổng lượng kiều hối.

Tính chung, thu hút kiều hối trong năm nay vẫn tăng trưởng khá. Lãnh đạo một công ty kiều hối tại TP.HCM cho biết, doanh số kiều hối chi trả của Công ty trong 10 tháng qua vẫn tương đối khả quan và khả năng hoàn thành được kế hoạch xây dựng cho năm nay. Dự kiến, công ty này sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số chi trả kiều hối thêm 20% so với mức đạt được của cả năm trước là 1,6 tỷ USD.

“Nhiều kiều bào gửi tiền về Việt Nam để cùng người thân mở nhà hàng hoặc đầu tư các công trình khách sạn nghĩ dưỡng…, thay vì đổ vào kênh đầu tư cổ phiếu như trước, do chứng khoán giảm”, lãnh đạo công ty kiều hối trên nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, nhà đầu tư hiện vẫn chưa tin vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản và chứng khoán, nên vẫn chưa tập trung vốn vào đây. Thay vào đó, vốn chảy nhiều vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, hộ gia đình.

Theo đánh giá của ông Minh, với hàng tỷ USD kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được xem là nguồn vốn vàng trong lúc này, nhất là khi doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định nếu được sự hỗ trợ cơ hội phát triển sẽ tốt hơn.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, trong lúc này, nguồn vốn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kể cả với vốn vay. Vì thế, khi nguồn kiều hối chảy vào lĩnh vực này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư