Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Kiều hối được kỳ vọng góp phần làm sôi động thị trường bất động sản
Vân Linh - 27/04/2024 08:21
 
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản đang “khát vốn”, dòng kiều hối được kỳ vọng sẽ góp phần làm sôi động thị trường.

Kỷ lục về kiều hối

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước, tăng 35,4% so với cùng kỳ - là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Kết quả này được hỗ trợ bởi các yếu tố như kiều hối từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng kiều hối chuyển về quý I/2024 (chiếm 59,1%), tăng 7,5% so với quý trước, tăng 86,1% so với cùng kỳ.

Theo ông Lệnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát và xung đột leo thang, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 9,460 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 - mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. “Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của Thành phố”, ông Lệnh nói.

Trong 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM luôn trong xu hướng tăng trưởng qua từng năm và chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, xu hướng tăng trưởng tích cực của lượng kiều hối góp phần ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin, hơn 190 tỷ USD là lượng kiều hối về Việt Nam trong 30 năm. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Kỳ vọng chảy vào bất động sản

Nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh, cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân. Theo đó, thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối đã thông thoáng; có những phản hồi, hỗ trợ cho kiều bào ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước.

Đặc biệt, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) cho phép bà con Việt kiều được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước. Luật Đất đai năm 2024 đã thay đổi căn bản khi xác định địa vị pháp lý của người sử dụng đất thông qua tiêu chí là quốc tịch, không còn xác định theo nơi cư trú.

Theo quy định mới, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam), chính sách được giữ nguyên như pháp luật hiện hành. Người Việt ở nước ngoài sẽ được thừa kế, thế chấp tất cả những nhà liền thổ, sản phẩm bất động sản. Về việc mua bất động sản, họ vẫn sẽ mua trong dự án, nhưng giới hạn số lượng sản phẩm được nới lỏng hơn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhận định, cùng với dòng vốn FDI, kiều hối đã góp phần quan trọng tăng dòng ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm nguồn lực để duy trì chính sách tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối.

Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”, dòng kiều hối được kỳ vọng sẽ phần nào làm sôi động thị trường. Theo một thống kê của NHNN TP.HCM, tỷ lệ kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chiếm 70 - 72%, vào bất động sản 22%, còn lại là hỗ trợ người thân. Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho thấy, khoảng 15 - 20% số tiền từ Việt kiều gửi về nước đang được đầu tư trực tiếp vào bất động sản.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định, thời gian tới, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng hơn để đón đầu Luật Đất đai mới có hiệu lực, với quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có thể được nhận quyền sử dụng đất, được trực tiếp tham gia giao dịch bất động sản trong nước, thay vì phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng như trước.

Lượng kiều hối mỗi năm tương đương giá trị 10.000 căn hộ
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”, dòng kiều hối được kỳ vọng sẽ phần nào vực dậy tình hình và làm sôi động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư