Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kiều hối, nguồn lực quý cho phát triển đất nước
Minh Nhung - 09/11/2021 16:30
 
Kiều hối là nguồn tiền lớn và quý, có tác động về nhiều mặt. Lượng kiều hối về Việt Nam đã liên tục tăng và tăng mạnh qua các năm.
 Lượng kiều hối về Việt Nam đã liên tục tăng và tăng mạnh qua các năm.

Kiều hối tăng bình quân 19,1%/năm

Trước hết, kiều hối là ngoại tệ mạnh từ nước ngoài chuyển về trong nước. Ở Việt Nam, nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương (PPP), thì 1 USD ở Việt Nam có sức mua gấp khoảng 3 lần ở Mỹ. Điều này lý giải tại sao GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái chỉ đạt 2.799 USD, nhưng nếu tính theo PPP thì đạt tới 8.400 USD…

Với 2 khoản lớn (của Việt kiều và của lao động xuất khẩu), thì ngoài ý nghĩa chung ở trên, mỗi khoản còn có ý nghĩa riêng. Nguồn do Việt kiều gửi về không chỉ là tiền, mà quan trọng hơn là thể hiện tấm lòng hướng về cội nguồn, đất nước, quê hương, người thân của bà con. Nguồn do người lao động xuất khẩu gửi về không chỉ là kết quả của sự cần cù, mà còn là nắm bắt công nghệ, sáng tạo, với ý thức để làm chủ trong tương lai khi về nước.

Năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam gấp 113,2 lần so với năm 1993 - năm đầu tiên có thông tin về kiều hối, với mức tăng bình quân 19,1%/năm. Đây là tốc độ tăng rất cao so với tốc độ tăng chung của các nước. Tính từ năm 1993 đến năm 2020, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 184,85 tỷ USD, bình quân 6.602 triệu USD/năm, bằng khoảng 6,5% GDP.

Như vậy, lượng kiều hối về Việt Nam đã liên tục tăng lên qua các năm (chỉ giảm vào năm 1997 do khủng hoảng tiền tệ khu vực và năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu). Đây là lượng ngoại tệ lớn so với các nguồn ngoại tệ khác.

Năm 2020, xuất siêu gần 20 tỷ USD, nhưng hoàn toàn do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực trong nước nhập siêu lớn. Thực hiện vốn đầu tư nước ngoài đạt 20 tỷ USD, nhưng có một phần do vay trong nước và góp vốn của trong nước, lợi nhuận do nước ngoài thu. ODA thực chất là vốn vay. Vốn đầu tư gián tiếp vào/ra rất khó kiểm soát. Chi tiêu của khách quốc tế chỉ đạt 2,5 tỷ USD và thấp hơn số chi tiêu của khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài...

Năm 2020, lượng kiều hối của Việt Nam được WB xếp thứ 9 trên thế giới, sau Ấn Độ (83 tỷ USD), Trung Quốc (60 tỷ USD), Mexico (43 tỷ USD), Philippines (35,1 tỷ USD), Ai Cập (30 tỷ USD), Pakistan (26 tỷ USD), Bangladesh (22 tỷ USD), Nigeria (17 tỷ USD).

Nếu tính lượng kiều hối/GDP, thì Việt Nam còn ở thứ bậc cao hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico.

Trong năm nay, nguồn kiều hối cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, sau 4 tháng, TP.HCM đã nhận 2 tỷ USD kiều hối, tăng 18% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 giảm 20%, nhưng cả năm đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 40% cả nước).

Vì sao ngoại hối tăng cao?

Thứ nhất, Việt Nam có nguồn kiều hối lớn bởi có số lượng lớn người Việt định cư ở nước ngoài, trong khi số người đi xuất khẩu lao động cũng khá lớn. Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt định cư ở trên 100 nước và vùng lãnh thổ, tập trung ở nhiều quốc gia phát triển. Số lao động làm việc ở nước ngoài có khoảng 580.000 người. Số tiền mà người lao động gửi về ước đạt 3-4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 20% tổng lượng kiều hối về Việt Nam.

Thứ hai, người nhận ngoại hối không phải nộp thuế thu nhập cá nhân như các khoản thu nhập cá nhân khác. Đây là sự khuyến khích, ưu ái hơn hẳn so với nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, người nhận kiều hối được tự quyết định nhận bằng ngoại tệ gốc hay đổi thành tiền Việt Nam để sử dụng, hoặc gửi tiết kiệm...

Thứ ba, việc chuyển/nhận tiền thuận lợi, nhanh chóng từ các đơn vị dịch vụ nhận/trả kiều hối. Thậm chí, người nhận kiều hối còn được tích điểm thưởng… để khuyến khích.

Kiều hối không chỉ là tiền. Quan trọng hơn, kiều hối thể hiện tấm lòng của Việt kiều và ý chí thoát nghèo của người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Vấn đề đặt ra là làm tốt quan hệ với các nước có nhu cầu lao động để tăng xuất khẩu lao động, có chế độ bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam; chấn chỉnh các tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; đào tạo ngoại ngữ, nghề nghiệp và tạo cho người lao động đi xuất khẩu lao động để vừa giải quyết việc làm, vừa giúp người lao động thực hiện cuộc đổi đời từ “người làm thuê trở thành người làm chủ”. 

9 tháng năm 2021, kiều hối về TP.HCM tăng mạnh
Tính đến hết tháng 9/2021, kiều hối tại TP.HCM đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ và dự kiến vượt mức dự báo 5,3 tỷ USD kiều hối chảy về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư