Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 07 năm 2025,
Kinh Bắc “khát vốn” giữa lúc tiềm năng còn bỏ ngỏ
Hạc Hiên - 06/07/2025 08:31
 
Dù sở hữu quỹ đất công nghiệp và đô thị quy mô lớn, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) vẫn gặp khó trong huy động vốn.

Gặp khó với kế hoạch gọi vốn

doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp (KCN) có tiếng với nhiều dự án trải dài từ Bắc vào Nam, Kinh Bắc tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi đang lên kế hoạch mở rộng nhiều dự án trọng điểm trên cả nước trong những năm tới.

Bên cạnh việc triển khai đồng loạt các dự án, Kinh Bắc còn ấp ủ kế hoạch chào bán 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ từ năm 2024 nhưng chưa thực hiện. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 3/2025, Công ty tiếp tục trình kế hoạch này.

Tuy nhiên, dù đã công bố danh sách tổ chức, nhà đầu tư dự kiến mua toàn bộ lượng cổ phiếu, Kinh Bắc chỉ phân phối được 102,9 triệu cổ phiếu sau đợt chào bán đầu tiên. Trong đó, 5 tổ chức từ chối mua hơn 34 triệu cổ phiếu gồm Amersham Industries Limited, Vietnam Enterprise Investments Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity), và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân khác như Công ty Quản lý Quỹ SGI, Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Hoàng Thanh Thanh… cũng chỉ mua một phần.

Dù tiếp tục nỗ lực phân phối phần cổ phiếu còn lại, kết thúc đợt chào bán, Kinh Bắc chỉ bán được tổng cộng 174,15 triệu cổ phiếu, huy động 4.162,2 tỷ đồng; còn lại 75,85 triệu cổ phiếu bị hủy.

Trong đó, 2.699,7 tỷ đồng được dùng trả nợ cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang, và 1.462,5 tỷ đồng cho Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Hải Phòng.

So với mục tiêu huy động 6.250 tỷ đồng, số tiền thực tế thấp hơn nhiều khiến Kinh Bắc phải điều chỉnh kế hoạch cơ cấu nợ, đồng thời tìm giải pháp khác để xử lý các khoản nợ sắp đáo hạn tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Đợt chào bán cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính và bất động sản KCN đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 6/2025, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Kinh Bắc chia sẻ: “Hoạt động tại các KCN đã chững lại từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới vào tháng 4. Chính sách này ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ thận trọng hơn, nhiều hợp đồng lớn phải tạm hoãn chờ thêm thông tin rõ ràng”.

Tính đến cuối năm 2024, Kinh Bắc sở hữu 7.013,79 ha đất KCN, tương đương 5,05% tổng quỹ đất KCN cả nước, cùng 1.470,4 ha đất khu đô thị. Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quỹ đất thêm khoảng 3.500 ha KCN và 600 ha khu đô thị tại nhiều tỉnh thành.

Tuy nhiên, dù có lợi thế về quỹ đất, cổ phiếu KBC vẫn đang chịu áp lực từ thị trường, liên tục giảm giá. Từ ngày 31/3 đến 1/7, cổ phiếu KBC giảm 14,4% xuống còn 26.250 đồng/cổ phiếu, dưới đường hỗ trợ dài hạn MA200 tại vùng 27.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, với mức lãi mỏng thời gian qua, dữ liệu từ iBoard (SSI) cho thấy, định giá P/E của KBC hiện là 52,76 lần, cao hơn nhiều so với trung bình ngành (16,9 lần), khiến cổ phiếu kém hấp dẫn hơn so với các doanh nghiệp bất động sản đang có điểm rơi lợi nhuận trong giai đoạn 2024-2025.

Cần vốn lớn để triển khai đồng bộ nhiều dự án

Thực tế, trong giai đoạn đầu năm 2025, Kinh Bắc liên tục phát đi tín hiệu tích cực khi nhiều dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tiêu biểu như Dự án KCN Tràng Duệ 3 (652,73 ha, vốn đầu tư 8.094 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát (584,91 ha, tổng vốn đầu tư 69.087,05 tỷ đồng); và Dự án KCN Kim Thành 2, giai đoạn I (234,63 ha).

Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt nhiều dự án khiến Kinh Bắc không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, nhiều dự án đã bắt đầu được cấp phép sau thời gian dài chuẩn bị, do đó Công ty cần ưu tiên nguồn lực cho tái đầu tư trong năm 2025.

Đáng chú ý, Kinh Bắc có lịch sử đặt kế hoạch tham vọng nhưng mức độ hoàn thành còn khiêm tốn. Năm 2023, Công ty ghi nhận lãi 2.245 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 56,1% kế hoạch (4.000 tỷ đồng). Năm 2024, lãi giảm mạnh còn 423,03 tỷ đồng, đạt 10,6% so với kế hoạch. Năm 2025, Công ty tiếp tục đặt mục tiêu lãi 3.200 tỷ đồng.

Dù vậy, trong quý I/2025, Kinh Bắc báo lãi 849,1 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ 76,7 tỷ đồng cùng kỳ, và hoàn thành 26,5% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh vẫn âm tới 7.272,5 tỷ đồng.

Việc duy trì lãi mỏng những năm qua khiến hiệu quả sử dụng tài sản và nguồn vốn của Công ty thấp hơn trung bình ngành. Trong bối cảnh nhiều dự án được chấp thuận đầu tư, Kinh Bắc buộc phải đẩy mạnh huy động vốn để triển khai đồng bộ. Đây sẽ là thách thức không nhỏ khi môi trường vĩ mô còn nhiều bất ổn, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục thận trọng, khiến kế hoạch gọi vốn mới của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Kinh Bắc, bị trì hoãn.

Kinh Bắc khởi công Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng
Chiều 11/5, CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (công ty con của Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc - HoSE: KBC) tổ chức Lễ động thổ Dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư