Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Kinh doanh thủy sản lao đao vì tác động kép
Thu Phương - 10/08/2020 19:23
 
Không chỉ lao đao vì Covid-19, doanh nghiệp thủy sản còn gặp khó bởi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đối với hoạt động chế biến thủy sản.
.
Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới khiến kết quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản ảm đạm sau nửa đầu năm 2020.

Kinh doanh lao dốc

Các doanh nghiệp thủy sản đã lần lượt công bố kết quả sản xuất - kinh doanh ảm đạm sau nửa đầu năm 2020. Nguyên nhân chính khiến các chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch và giảm so với cùng kỳ là Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới, đơn hàng trong nửa đầu năm bị tạm hoãn hoặc hủy.

Ông lớn của ngành, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn công bố lợi nhuận quý II/2020 giảm phân nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt 215 tỷ đồng khi hoạt động kinh doanh công ty mẹ giảm sút do giá bán giảm và ảnh hưởng bởi Covid-19. Lợi nhuận 6 tháng cũng giảm khoảng 50%, chỉ đạt gần 368 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Nam Việt cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19 và giá bán sản phẩm giảm. Lợi nhuận quý II/2020 giảm đến 79% so với cùng kỳ, còn 32 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất cùng quý kể từ năm 2017.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Nam Việt giảm 14%; lợi nhuận sau thuế giảm gần 79%, xuống mức 75,5 tỷ đồng.

Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt cho biết, từ cuối năm 2019, Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Navico đã định hướng “không bỏ trứng vào một giỏ”, tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ, EU và Ðông Nam Á. Tuy nhiên, dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu, các thị trường đều giảm mạnh, đơn hàng bị hủy hoặc tạm hoãn, nên tình hình kinh doanh của Công ty không mấy khả quan.

Từ thực tế đó, Nam Việt đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm nay giảm mạnh. Trong đó, doanh thu là 3.000 tỷ đồng, giảm 33% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 200 tỷ đồng, so với mức 700 tỷ đồng đạt được trong năm 2019.

Đánh giá tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến ngành thủy sản thế giới, khiến tiêu thụ giảm, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp giảm 35 - 50%, dẫn dến tình hình kinh doanh những tháng đầu năm đi xuống.

Khó chồng khó vì bất cập thuế

Cũng theo VASEP, ngoài Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành còn gặp khó bởi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định tại Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015. Theo đó, đa số mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu bị áp sang là hàng “sơ chế”, thay vì là “chế biến”.

Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hàng thủy sản sơ chế là 20%, trong khi đó, hàng đã qua chế biến được phép áp dụng thuế suất 10 - 15%.

Cách đây 2 tháng, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) và các doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau đã phải kêu cứu, sau khi nhận được Thông báo số 1057/TB-CT của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Camimex trần tình: “Ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về thị trường. Trước đây, chỉ thị trường Trung Quốc, giờ lan rộng ra cả thị trường châu Âu - những thị trường quan trọng của Công ty. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp đang đè nặng thêm, khiến tình hình kinh doanh vô cùng khó khăn”.

Liên quan vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, các văn bản hướng dẫn của ngành thuế vẫn chưa có cơ sở vững chắc thế nào là sơ chế, thế nào là chế biến, chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Việc này gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, bởi trước đó được áp dụng mức thuế thấp, doanh nghiệp đã chấp nhận giảm giá cho khách hàng nước ngoài và cân đối nâng giá thu mua tôm nguyên liệu nhằm tăng lượng khách hàng và lượng nguyên liệu thu mua. Sau khi bị nâng mức thuế và bị truy thu, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng”, ông Hòe nói.

Được biết, VASEP đã gửi Công văn số 104/2020/CV-VASEP đề nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xem xét cho các doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản thủy sản và có nhà máy chế biến thủy sản; các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ bằng cách sửa đổi lại khoản 1, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC.

Về phía cơ quan quản lý, trong tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản “chế biến” và “sơ chế”.

Tại công văn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giải quyết, nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Phía cơ quan quản lý nhà nước cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản để các doanh nghiệp có thể thực hiện thống nhất, tránh so đo gây bất cập”.

- Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta
[Infographic] 7 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,3 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư