Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế 2018 có nhiều điểm nhấn quan trọng
Mạnh Bôn - 15/10/2018 14:07
 
Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu.

 

Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 28 vào sáng nay về tình hình thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2018 có thể hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.

Chất lượng kinh tế được cải thiện

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn ổn định và an ninh quốc gia.

“Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%; điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 17%), đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế; nợ công giảm, còn khoảng 61,4% năm 2018”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết và khẳng định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015, ước đạt 5,55%. Cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thực chất hơn trong các ngành, lĩnh vực; tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng; cơ cấu lại đầu tư công tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, nền kinh tế năm 2018 có nhiều điểm nhấn quan trọng.

“Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn; quy mô nền kinh tế ước đạt khoảng 240,5 tỷ USD; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch tích cực cùng với sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút và giải ngân FDI tăng khá; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, cán cân thương mại chuyển biến tích cực, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao. Mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có những bước chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia có nhiều tiến bộ…”, ông Thanh chỉ ra các điểm nhấn của nền kinh tế năm 2018.

Kết quả tích cực này, theo ông Thanh đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, tăng trưởng GDP dự báo đạt ở mức cao, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định. Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều.

Phân tích rõ chỉ tiêu nhập siêu năm 2019

Với những kết quả đạt được năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, năm 2019 GDP tăng khoảng 6,6-6,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; nhập siêu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; lạm phát bình quân khoảng 4%.

Để đạt được các chỉ tiêu kể trê, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2019 phải tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

“Năm 2019, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung điều hành giá cả thận trọng; kết hợp hài hòa, linh hoạt các chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, chống thất thu; đẩy mạnh hơn nữa rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Nhất trí với mục tiêu kể trên, tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tính hợp lý và khả thi của chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời làm rõ cơ sở chỉ tiêu nhập siêu dưới 3% trong khi kết quả của các năm 2016, 2017 và ước của năm 2018 đều xuất siêu.

“Đối với chỉ tiêu lạm phát khoảng 4% là tương đối phù hợp, tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp giảm dần lạm phát thông qua các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định lãi suất và điều chỉnh giá dịch vụ công để tiến tới đạt được mục tiêu Quốc hội yêu cầu là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020”, ông Thanh lưu ý.

[Infographic] Kinh tế Eurozone có dấu hiệu mất đà
Nền kinh tế của Eurozone đang chứng kiến sự mất đà khi chỉ số tổng hợp các nhà quản lý mua hàng (PMI tổng hợp) của khu vực này đã giảm từ 54,5...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư