Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế 2022: Tận dụng tốt các cơ hội, mở ra không gian phát triển mới
Kỳ Thành - 14/02/2022 08:24
 
Thách thức của năm 2022 là rất lớn, nhưng nếu làm tốt công tác quy hoạch, cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế, đổi mới sáng tạo…, sẽ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Làm tốt quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới

Công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh tại cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra mới đây.

Theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, hệ thống quy hoạch quốc gia sẽ cơ bản được trình thẩm định, phê duyệt và ban hành trong năm 2022, bao gồm 3 quy hoạch quốc gia, 39 quy hoạch ngành quốc gia, 6 quy hoạch vùng, 63 quy hoạch tỉnh và các quy hoạch đô thị, nông thôn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là “khối lượng công việc khổng lồ” nhưng phải đảm bảo chất lượng khi hoàn thành, bởi hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ 2011-2020, trước khi Luật được ban hành.

“Đây là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước và từng địa phương một cách bài bản, khoa học, mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới. Đồng thời, phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý một số nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên triển khai ngay trong năm 2022, như thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư nước ngoài; đổi mới sáng tạo; cải cách thể chế để khơi thông các điểm nghẽn giải phóng nguồn lực của đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và đầu tư công; cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Các nhiệm vụ trong dài hạn là hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tận dụng cơ hội dân số vàng; gắn kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài…

“Tại sao tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng chưa cao, tái cơ cấu còn chậm, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đạt yêu cầu, khoa học công nghệ chưa tương xứng, đáp ứng kỳ vọng? Những câu hỏi này luôn thường trực đối với người làm công tác kế hoạch, nghiên cứu, tham mưu tổng hợp chiến lược, để tham mưu cho được, giúp Đảng, Nhà nước, Chính phủ giải những bài toán này, như thế mới xứng đáng với vai trò, vị trí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Xác định năm 2022 sẽ khó khăn hơn để không bất ngờ, bị động

Trao đổi khi tới thăm và động viên cán bộ, công chức, người lao động Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, phải xác định năm 2022 sẽ khó hơn năm 2021 để chuẩn bị tư tưởng, tâm thế, năng lượng, không bất ngờ, bị động. “Khó hơn vì nếu chúng ta dừng lại sẽ tụt hậu. Nền kinh tế chúng ta đang phát triển nên có đặc thù, khó khăn riêng”, Thủ tướng phân tích.

Về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng lưu ý đến gói vấn đề đẩy nhanh đầu tư công, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. “Đồng tiền đi vào đâu để có hiệu quả, đó là bài toán khó. Chúng ta phải kết hợp hài hoà, hợp lý giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữ ổn định kinh tế vĩ mô khi áp lực lạm phát, giá dầu biến động”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết, thu hút đầu tư có xu hướng tăng, nhưng vấn đề là thu hút vào đâu và khai thác thế nào để thu hút có chọn lọc, hướng tới chuyển đổi xanh, phát triển xanh. “Đây là vấn đề khó, đòi hỏi chúng ta phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh”, Thủ tướng nói.

Trước những vấn đề mà người đứng đầu Chính phủ lưu ý và với phương châm hành động năm 2022 là “Phục hồi hiệu quả, Phát triển bền vững”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới, nhận diện rõ thời cơ, thách thức, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đối sách, giải pháp phù hợp nhằm tạo sự ổn định cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh và nền kinh tế phục hồi nhanh, phát triển bền vững...

Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế: Gói hỗ trợ mạnh nhất là cải cách thể chế
Nguồn lực ngân sách trực tiếp dành cho các gói hỗ trợ doanh nghiệp có thể không nhiều như kỳ vọng, doanh nghiệp đang trông vào các giải pháp hỗ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư