Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Kinh tế hợp tác cần sự liên kết sâu và dẫn dắt của doanh nghiệp
Huy Tự - 03/08/2023 20:42
 
Đó là nhận định chung tại buổi Họp mặt giữa lãnh đạo TP. Cần Thơ với gần 100 lãnh đạo hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ để kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm.
Buổi họp mặt giữa lãnh đạo TP. Cần Thơ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ ngày 3/8/2023

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết: Tuy còn nhiều thử thách và biến động khó lường, nhưng kinh tế hợp tác của TP. Cần Thơ gần đây có nhiều điểm sáng về phát triển thêm các loại hình dịch vụ, các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ hợp tác (THT), HTX và kinh tế trang trại.

TP. Cần Thơ hiện có 167 HTX nông nghiệp, gần 3.100 thành viên, tổng vốn điều lệ là 161 tỷ đồng, có 1.435 THT (gần 46.000 thành viên) hiện đã tổ chức nhiều theo mô hình đa dịch vụ và mở rộng quy mô, vừa mang lại lợi ích cho thành viên, vừa mang lại thu nhập cho HTX, THT.

Hàng năm có khoảng 40 - 47 HTX liên kết với công ty về dịch vụ canh tác sản xuất nông nghiệp. Sự liên kết bền chặt và hiệu quả giữa HTX và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm được sự đồng tình đánh giá cao từ 2 phía, bình quân doanh thu 3 tỷ đồng/ HTX, giải quyết gần 10.000 lao động thường xuyên và thời vụ.

Cũng theo ông Sử, TP. Cần Thơ còn có thế mạnh về phát triển  kinh tế trang trại, với 27 trang trại hoạt động đạt tiêu chí 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng vốn đầu tư bình quân gần 3,6 tỷ đồng/ trang trại, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt trên 201 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè (giữa) tham quan, khảo sát một số sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, kinh tế trang trại sản xuất, chế biến và đóng gói

Năm 2022 có 6 trang trại được chứng nhận VIETGAP, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tạo ra hàng hóa cho mỗi địa phương tương đối quy mô, đồng đều để cung ứng cho thị trường. Nhiều tổ hợp tác, HTX và trang trại đã và đang xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu tập thể.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của hầu hết lãnh đạo HTX, tổ hợp tác, trang trại và doanh nghiệp, đa phần các HTX và kinh tế trang trại đều có quy mô rất nhỏ về diện tích đất sản xuất, vốn góp không cao, số lượng thành viên ít, trình độ quản lý chưa theo kịp với yêu cầu, chưa xây dựng được các phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, việc ứng dụng các phần mềm quản lý, công nghệ thông tin còn hạn chế…

Đặc biệt do tính liên kết chưa sâu giữa các thành viên trong HTX và kinh tế trang trại và giữa các HTX, kinh tế trang trại với doanh nghiệp chưa sâu, thường mang tính thời vụ là chính, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp còn mờ nhạt, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, liên kết tiêu thụ các bên nhiều khi đổ vỡ do biến động về giá cả.

Hiện toàn TP. Cần Thơ chỉ có 5 trang trại thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiệu thụ sản phẩm, trong đó có 1 trang trại tự sản xuất sản phẩm có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị tại các tỉnh thành và 4 trang trại chăn nuôi thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các công ty chăn nuôi, xuất nhập khẩu lớn trong nước.

Do vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, để phát huy vai trò, tính hiệu quả của kinh tế hợp tác trên địa bàn, nhằm phát triển kinh tế tập thể theo hướng năng động, hiệu quả, bền vững, cần chú trọng về chất, xây dựng nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình và các nhân tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia dình, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Theo ông Hè, TP. Cần Thơ đặt mục tiêu phấn đấu hàng năm thành lập mới ít nhất 10 HTX nông nghiệp và 20 tổ hợp tác, trong đó tập trung xây dựng các mô hình HTX có quy mô lớn trong nông nghiệp. Mở rộng quy mô thành viên trong các loại hình kinh tế trang trại, kể cả thành viên liên kết trung bình từ 40-50 thành viên/HTX/tổ hợp tác, trong đó chú trọng cao kỹ năng quản lý điều hành, ít nhất có 80% các tổ chức kinh tế hợp tác được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn…

Để đạt các mục tiêu trên, TP. Cần Thơ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chính là: Tăng cường tuyên truyền học tập, quán triệt chủ trương chính sách pháp luật về kinh tế hợp tác, nâng cao trình độ quản lý điều hành các tổ chức kinh tế hợp tác, nâng cao hoạt động của HTX và củng cố, nâng chất các HTX trung bình, yếu.

Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Tăng cường phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Liên minh HTX, Hội nông dân và các ban ngành, đoàn thể có liên quan.

Huy động các nguồn lực để hỗ trợ, tư vấn có hiệu quả các HTX về ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, xúc tiến thương mại.

Tạo mọi điều kiện để các tổ chức kinh tế hợp tác giao lưu, gặp gỡ với các doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thông tin, sản phẩm của các các tổ chức kinh tế hợp tác tham gia các sàn giao dịch điện tử, quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo Cần Thơ cam kết trả lời trong 3 ngày làm việc
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy và ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chủ trì Tọa đàm “Đối thoại giữa chính quyền và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư