Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Long An: Hiện thực hóa mục tiêu phát triển
Kinh tế Long An có nhiều chuyển biến tích cực
Trúc Giang - 27/05/2022 09:41
 
Thông qua thích ứng an toàn và linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Long An có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An (thứ 3 từ phải sang) và ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An (thứ 3 từ trái sang) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Xuyên Á 	ảnh: thanh tấn
Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An (thứ 3 từ phải sang) và ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An (thứ 3 từ trái sang) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Xuyên Á ảnh: thanh tấn

Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

Long An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng với sự chung sức đồng lòng, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đến nay đã cơ bản thực hiện tốt các biện pháp thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Trong tỉnh, các hoạt động kinh tế dần được phục hồi; môi trường đầu tư - kinh doanh liên tục được cải thiện, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư; kết cấu hạ tầng ngày càng được quan tâm, hoàn thiện; đời sống người dân ngày càng được nâng lên….

Tỉnh Long An tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện linh động nhiều giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh, trong đó kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Long An đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định phát triển kinh tế. Đây vừa là tiền đề, vừa là động lực để tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Long An trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Long An đã ban hành Chương trình Hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với mục tiêu đề ra là tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống Covid-19, hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, tạo nền tảng thúc đẩy sản suất, kinh doanh; tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững hậu Covid-19; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khẩn trương triển khai các công trình trọng điểm, các chương trình đột phá, tạo động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tiếp đến, ngày 24/3/2022, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch số 906/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Trọng tâm của Kế hoạch là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GRDP bình quân 9,2 - 10,0%/năm; thu nhập GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 - 120 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng thu ngân sách hàng năm đạt 12%; đến năm 2025 duy trì là tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

UBND tỉnh Long An đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch rõ ràng, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng địa phương tập trung thực hiện các định hướng, chương trình, giải pháp trên từng lĩnh vực được giao. Định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Chuyển biến tích cực

Theo UBND tỉnh Long An, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2022 có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, tốc độ tăng trưởng (GRDP) quý I/2022 đạt 2,83%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng mạnh trở lại với mức 56,2% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, IIP của Long An tăng 1,69% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động thương mại, dịch vụ dần phát triển. Quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 30.919,1 tỷ đồng, tăng 2,49% so với cùng kỳ, đạt 28,9% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.755 triệu USD, tăng 10,07 % so cùng kỳ, đạt 27,4% kế hoạch.

Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương, như hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại qua nền tảng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart và sàn thương mại điện tử bán sỉ quốc tế Alibaba.com; Tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm chế biến tỉnh Long An với thị trường TP.HCM tại huyện Châu Thành; tham gia Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm chế biến tỉnh Long An với thị trường TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Đồng Tháp...

Đáng chú ý, doanh nghiệp thành lập mới, số vốn dự án đầu tư trong nước tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, trên địa bàn tỉnh có 435 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký 6.663 tỷ đồng. Số hộ kinh doanh cá thể thành lập mới là 2.669 hộ, tăng 14% so với cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14.356 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 356.744 tỷ đồng và có 67.513 hộ kinh doanh cá thể.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh cấp mới 38 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký mới là 8.906,8 tỷ đồng; điều chỉnh vốn cho 5 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 640 tỷ đồng. Tính chung, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 9.546,8 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2021 giảm 8 dự án, nhưng về vốn tăng 7.134,6 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.163 dự án với số vốn đăng ký 268.112,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp mới 19 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư cấp mới 216,9 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 23 dự án với vốn đầu tư tăng trên 124 triệu USD. Tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 341,1 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.143 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 9.767,7 triệu USD, trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Đầu tư công được xem là “vốn mồi” để thu hút vốn xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng và đột phá. Vì vậy, tỉnh Long An đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 đạt kế hoạch đã đề ra. Tại phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2022 của UBND tỉnh tổ chức vào ngày 9/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ đầu năm; chậm nhất, quý II/2022 phải khởi công các công trình khởi công mới đã được ghi kế hoạch vốn, đảm bảo có khối lượng thanh toán kế hoạch vốn trong 6 tháng đầu năm, không để dồn vào những tháng cuối năm. Khối lượng thực hiện phải gắn với kế hoạch vốn và đúng theo lộ trình phân bổ vốn không để nợ mới phát sinh. Nghiêm chỉnh thực hiện kiểm điểm chủ đầu tư khi không thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đúng thời gian quy định của Trung ương.

Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Long An cho biết, lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý ước đạt 1.044,45 tỷ đồng, tăng 10,35% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 775,60 tỷ đồng, tăng 10,04% so cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 268,85 tỷ đồng, tăng 11,25% so cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian tới, kế thừa những kết quả đạt được, tỉnh Long An tiếp tục tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19; hoàn thành công tác tiêm chủng cho toàn dân để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh vào thời kỳ mới là sống chung an toàn với dịch.

Tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai, phối hợp tốt với bộ, ngành Trung ương thực hiện có hiệu quả Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt chất lượng và đảm bảo tiến độ đề ra. Đây chính là định hướng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Long An: Khởi công dự án khu công nghiệp Nam Thuận vốn 1.853 tỷ đồng
Khu công nghiệp Nam Thuận tọa lạc tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, do Công ty CP Đại Long Long An làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 99 ha, vốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư