Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo
Mạnh Bôn - 28/05/2013 06:15
 
Có nên hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội hay không là nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận khi cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
TIN LIÊN QUAN
Các ĐBQH tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Lâm Đồng và Khánh Hòa
thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại tổ

Trước khi Quốc hội tiến hành thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề có nên hiến định sự chủ đạo của kinh tế nhà nước hay không nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau của tổ chức, cá nhân và các chuyên gia kinh tế.

Chính vì vậy, Ban soạn thảo đã trình cả 3 phương án để các ĐBQH thảo luận.

Cụ thể, theo Phương án 1, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Phương án 2, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Còn Phương án 3, giữ nguyên như Dự thảo đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”.

“Tôi đồng tình với Phương án 1 vì thể hiện được đầy đủ cương lĩnh xây dựng đất nước, đường lối phát triển kinh tế mà chúng ta đã, đang và tiếp tục theo đuổi”, ông Phạm Hồng Dương, ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ quan điểm.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, ông Đặng Đình Luyến. Ông Luyến cho rằng, quy định như Phương án 1 tuy có hơi dài, nhưng xác định được rõ vai trò, trách nhiệm của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân.

Cũng đồng tình phải quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, song theo ông Thuận Hữu, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì không nên liệt kê các thành phần kinh tế như Phương án 1. Bởi theo thời gian, sẽ phát sinh các thành phần kinh tế khác ngoài kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế đầu tư nước ngoài thì lại phải sửa Hiến pháp sẽ rất phiền phức, mất nhiều thời gian, tiền bạc.

“Chỉ cần quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo như Phương án 2 là đủ, còn vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này thế nào, trách nhiệm, nghĩa vụ của thành phần kinh tế này ra sao trong nền kinh tế sẽ có các luật, nghị quyết, nghị định… điều chỉnh”, ông Hữu phát biểu.

“Kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Ngoài doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước còn vay vốn trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, dự án, công trình quan trọng của quốc gia. Vì vậy, cần phải quy định rõ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”, ĐBQH tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Văn Tí phân tích và bày tỏ quan điểm ủng hộ Phương án 2 do Ban soạn thảo đưa ra.

Đại diện cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, ĐBQH tỉnh Thái Bình, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Hiến pháp quy định như Phương án 2 là hợp lý nhưng phải thêm một khoản quy định: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

“Chỉ có quy định như vậy mới tránh được tình trạng phân biệt đối xử, ưu tiên, ưu đãi, ưu ái với doanh nghiệp nhà nước trong khi kinh tế nhà nước vẫn giữ được vai trò chủ đạo”, ông Kiêm phát biểu.

Chiều 27/5, các ĐBQH đã hoàn thành việc cho ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ghi nhận của Báo Đầu tư, nếu như nội dung hiến định vai trò của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau thì các ĐBQH đều thống nhất bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết, Lê Đắc Lâm, Đặng Đình Luyến, Bùi Thanh Quyến… Hiến pháp chỉ nên quy định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

“Chỉ quy định như vậy mới tránh được tình trạng lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất của người dân, sử dụng đất không đúng mục đích, thậm chí thu hồi đất sau đó bỏ hoang hoặc trục lợi từ việc thu hồi đất của tổ chức, cá nhân”, ông Nguyễn Văn Tuyết, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư