Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm nay
Mạnh Bôn - 03/04/2023 08:06
 
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp nhất trong nhiều năm qua, quý II dự báo vẫn chưa hết khó khăn.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định, kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm nay.

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Nhiều định chế tài chính dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gặp khó khăn trong quý I, quý II và sẽ bứt phá trong 6 tháng cuối năm nay. Thưa bà, bà nhận định gì về dự báo này?

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 3,32%, thấp hơn khá nhiều so với kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01/NQ/CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ. Điều này không nằm ngoài dự đoán bởi những tháng đầu năm, nhiều hoạt động kinh tế khá trầm lắng.

Sự trầm lắng của hoạt động sản xuất, kinh doanh 3 tháng đầu năm nay không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà gần như trên toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc do mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian dài quyết tâm theo đuổi chính sách Zero Covid). Còn trên bình diện chung, kinh tế thế giới trong quý I/2023 có nhiều biến động phức tạp; lạm phát toàn cầu dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga-Ukraine có nhiều diễn biến bất ngờ, ngoài dự đoán.

Tất cả những khó khăn trên xuất phát từ năm 2022 chưa được khắc chế, thì thời gian gần đây, sự sụp đổ của Ngân hàng SVB - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ và sự kiện sáp nhập Ngân hàng Credit Suisse (ngân hàng 167 năm tuổi của Thụy Sỹ) vào Ngân hàng UBS đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng ở các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, quá trình mở cửa, phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến khiến luồng thương mại, đầu tư và du lịch từ nước này đến Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến tốc độ tăng trưởng GDP 3 tháng đầu năm nay thấp xa so với dự kiến ban đầu được đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là tăng trưởng 5,6%

Còn nguyên nhân từ nội lực nền kinh tế thì sao, thưa bà?

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt thấp có nguyên nhân chủ yếu từ sự suy giảm của khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động xuất khẩu không đạt mức cao như cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm khá mạnh do nhu cầu thế giới suy giảm, doanh nghiệp không thể tìm kiếm được đơn hàng mới.

Với thực trạng quý I và diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, thì kinh tế Việt Nam quý II nhiều khả năng chưa thể khởi sắc. Đơn hàng nước ngoài khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn do cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu và khó dự báo. Trong nước, các chính sách điều hành kinh tế đang được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng luôn có độ trễ về thời gian.

Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê trong nhiều năm, thông thường, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I rất thấp, sang đến quý II bắt đầu phục hồi và nửa cuối năm là bứt phá. Năm 2023, mặc dù 3 tháng đầu năm có nhiều yếu tố bất lợi, nhưng khả năng tốc độ tăng trưởng vẫn theo xu hướng này, bởi các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn đảm bảo; lạm phát trong tầm kiểm soát; nguồn cung năng lượng, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và lương thực ổn định.

Nghĩa là vẫn còn nhiều điểm sáng để GDP có thể cán mốc tăng trưởng 6,5% trong năm nay?

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng trở lại vào tháng 2 phần nào cho thấy, các ngành sản xuất đã có xu hướng cải thiện sau 3 tháng bị suy giảm mạnh. Đây là tín hiệu tích cực cho kinh tế cả nước trong quý II và các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, có một số yếu tố, động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Thứ nhất, giải ngân đầu tư công có khả năng bứt phá do đây là năm cuối thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Đầu tư công được đẩy mạnh có tác dụng gia tăng nền tảng kết cấu, hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh; khơi thông nguồn lực đầu tư công có tác dụng thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực. Đầu tư công là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu của nền kinh tế phát triển.

Thứ hai, ngành du lịch trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bị đình trệ, nhưng thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc mạnh mẽ. Đặc biệt, do đặc thù du lịch là ngành dịch vụ thị trường có tính chất lan tỏa, nên nhiều ngành dịch vụ khác sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, như vận tải, hoạt động ăn uống, khách sạn, nhà hàng, nghệ thuật vui chơi giải trí…

Thứ ba, Trung Quốc xóa bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa biên giới và bỏ giới hạn đi lại quốc tế là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối nguồn cung nhập khẩu nguyên vật liệu bị gián đoạn do dịch bệnh, kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản và thủy sản của nước ta. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch, dịch vụ của Việt Nam phát triển nhờ thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là du khách đến từ Trung Quốc.

Chính vì vậy mà Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất. Phải chăng Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dù lạm phát vẫn là mối đe dọa?

Ngày 14/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giảm một loạt lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm...

Trong khi nhiều nước trên thế giới phải căng mình chống lạm phát, rất khó khăn để lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát, thì Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 của Việt Nam tăng 3,35%; tính chung 3 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát được kiểm soát rất tốt, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh dạn giảm lãi suất điều hành. Động thái này sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khắc phục khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Việt Nam giảm lãi suất điều hành là đi ngược với xu hướng của thế giới. Thưa bà, điều này có nguy hiểm không khi mà lạm phát vẫn rình rập?

Trong thời điểm Việt Nam giảm lãi suất, thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) và đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/3 cũng quyết định nâng các mức lãi suất chính thêm 50 điểm cơ bản (0,5%). Các động thái này đều nhằm hạ nhiệt lạm phát, vì tuy các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh trong năm 2022, nhưng lạm phát năm 2023 dù có giảm vẫn ở mức cao.

Ở Việt Nam, lạm phát vẫn là nguy cơ đối với nền kinh tế năm 2023, do áp lực từ diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới, khan hiếm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất gia tăng. Với một nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, mọi biến động của thế giới sẽ tác động nhanh tới nền kinh tế.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh xu hướng nâng lãi suất vẫn là chủ đạo trên thế giới, thì Việt Nam đi ngược xu hướng không phải là sự liều lĩnh, mà tất cả đã được tính toán. Điều này thể hiện sự theo dõi sát sao, bám sát tình hình, diễn biến nền kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành để có phản ứng chính sách kịp thời, nhằm hóa giải các khó khăn, thách thức, tạo điều kiện tối đa cho nền kinh tế phục hồi và phát triển và nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.

Kích hoạt động lực tăng trưởng: Không chỉ để phục hồi kinh tế
Các nỗ lực kích hoạt động lực tăng trưởng của nền kinh tế đều đang trên đường ray, tuy nhiên, lời giải không thể chỉ phục vụ yêu cầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư