Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế phục hồi tích cực, nhưng không để bị động
Thanh Huyền - 10/04/2022 16:00
 
Kinh tế quý I/2022 có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, song người đứng đầu Chính phủ vẫn nhấn mạnh yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.
Kết quả điều tra cho thấy, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý II/2022

Kinh tế quý I phục hồi nhanh, tích cực

“Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra nhận định này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 4/4, khi phân tích số liệu doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3 và quý I/2022.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý II/2022, với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 3 tháng đạt 1,63 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay, đã phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam.

Một thực tế là, các tổ chức quốc tế đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với dự báo trước đó và nhận định, việc kinh tế thế giới phục hồi sẽ khó khăn hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP trong quý I đạt hơn 5,03%, Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I dưới 2%, mặc dù sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.

Theo bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hệ thống tài chính - ngân hàng.

“Đặc biệt, việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ trị giá 350.000 tỷ đồng đã giúp Việt Nam ổn định nợ công, giữ vững tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài”, bà Sagarika Chandra phân tích.

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, không để bị động

Dự báo tình hình sắp tới tiếp tục có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.

Cùng với đó, phải kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Liên hệ với tình hình thế giới hiện nay và niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sinh sống, làm việc, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Lưu ý vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA, Thủ tướng cho biết, công tác này chưa có cải thiện đáng kể trong quý I vừa qua. Do đó, cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công. “Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tập trung xây dựng các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, đồng thời khẩn trương rà soát, tổng hợp các vướng mắc, ách tắc để báo cáo đầy đủ, toàn diện với Quốc hội, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.

Ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, hôm qua (5/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022; triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tận dụng mọi cơ hội đưa nền kinh tế phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ về cơ hội hồi phục và tăng trưởng kinh tế, xã hội của Việt Nam trong năm 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư