Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế quý I: Ổn định và hồi phục
Hải Long - 02/04/2014 06:50
 
Trong tháng 3 và quý I/2014, các chỉ số quan trọng như tăng trưởng GDP, lạm phát, giá tiêu dùng, xuất nhập khẩu, giải ngân ODA, FDI… đều chuyển biến tích cực, ghi nhận sự ổn định của nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh tế quý I: GDP tăng 4,96%, xuất siêu 1 tỷ USD
Xuất khẩu nông sản bứt phá trong quý I/2014
Bất thường CPI quý I/2014
GDP quý I đạt 4,96%, kinh tế có dấu hiệu phục hồi
CPI tháng 3 giảm mạnh 0,44%

Đó là thông tin được đưa ra trong báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, diễn ra hôm qua (1/4). Dễ nhận thấy nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,44% so với tháng trước đó, là mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua.

  Kinh tế quý I: Ổn định và hồi phục  
  Trong quý I năm nay, Việt Nam xuất siêu khoảng 1 tỷ USD Ảnh: Chí Cường  

“So với tháng 12/2013, CPI tháng 3/2014 tăng 0,8%,  là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Đó là kết quả do những nỗ lực trong kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường trong thời gian qua”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với cùng kỳ các năm trước, khi tăng trưởng GDP quý I ước đạt 4,96%, cao hơn so với mức tăng 4,76% của quý I/2013 và 4,75% của quý I/2012.

Xuất nhập khẩu cũng là một trong những điểm sáng, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu cả quý I ước đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý I ước đạt 32,34 tỷ USD, tăng 12,4%. Như vậy, quý I, xuất siêu khoảng 1 tỷ USD. “Đây là dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế đã có xu hướng hồi phục”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá.

Số liệu cho thấy, khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung, với mức tăng 5,95%. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2013 là bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động tài chính - ngân hàng và bảo hiểm (tăng từ xấp xỉ 6% đến hơn 7%).

Những chuyển biến tích cực trong sản xuất công nghiệp, nhất là chế biến - chế tạo cũng nhận được sự đánh giá cao từ các thành viên Chính phủ. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 16,9% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Chia sẻ quan điểm với ông Hà, ông Vũ Thanh Liêm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt nền kinh tế. “Kết quả quý I là cơ sở tốt để hy vọng tăng trưởng GDP cao hơn trong quý II, quý III và cả năm đạt tốc độ tăng trưởng 5,8% như mục tiêu đề ra”, ông Liêm tin tưởng.

Phát triển doanh nghiệp có những dấu hiệu tích cực, tăng cả số vốn đăng ký và số doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 18.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I, với tổng vốn đăng ký 97.980 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Quý I/2014 cũng ghi nhận hơn 4.600 doanh nghiệp gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động, tăng 48,9% so với quý trước đó.

“Kết quả quý I là cơ sở tốt để hy vọng tăng trưởng GDP cao hơn trong quý II, quý III và cả năm đạt tốc độ tăng trưởng 5,8% như mục tiêu đề ra” - ông Vũ Thanh Liêm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Một chỉ số quan trọng khác cũng nhận được sự đánh giá tốt của các thành viên Chính phủ là vốn đầu tư phát triển tăng, củng cố cho nhận định lạc quan về nền kinh tế. Cụ thể, tổng vốn đầu tư xã hội quý I ước đạt 214.800 tỷ đồng, bằng 28,4% GDP và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn vay ODA ưu đãi trong quý I tăng 5% so với cùng kỳ, ước đạt 364 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong quý I ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký ước đạt 3,34 tỷ USD.

Theo số liệu công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nước dẫn đầu trong số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam tính đến hết quý I/2014, với tổng vốn đầu tư mới và tăng thêm đạt 765,6 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chỉ đạt 414,3 triệu USD).

Một tin đáng mừng là, theo thông tin từ Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG… đang có kế hoạch đầu tư thêm vào Việt Nam trong một số lĩnh vực khác. Với quy mô các nhà máy tỷ đô như Samsung đã đầu tư vào Việt Nam thời gian qua, đây sẽ hứa hẹn là một thông tin tốt cho năm 2014.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư