Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế tập thể dần vượt qua suy thoái
Mạnh Bôn - 03/02/2015 07:37
 
() Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Minh Tú nhận định, chỉ mới đi vào cuộc sống chưa đầy 20 tháng, nhưng Luật Hợp tác xã đã bắt đầu đưa kinh tế tập thể vực dậy, sau cả một thời gian dài suy thoái.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
13 Luật có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2015
Nhiều hỗ trợ dành cho hợp tác xã
Hợp tác xã làm bất động sản chất lượng cao
Vì đâu người nông dân bị móc túi

Theo ông, kinh tế tập thể bắt đầu chấm dứt tình trạng năm sau tăng thấp hơn năm trước?

Lần đầu tiên trong 20 năm qua, năm 2013, đóng góp của khu vực hợp tác xã (HTX) vào GDP năm sau đã cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2004, khu vực kinh tế này đóng góp vào GDP còn chiếm 7,09%, thì đến năm 2006, 2008, 2010 và 2012 đóng góp vào GDP lần lượt còn 6,53%; 5,66%; 5,35% và 5%. Nhưng đến năm 2013 và 2014, mức này đã tăng trở lại, lần lượt 5,05% và 5,1%; năm 2015 dự kiến đạt 5,25%.

TS. Nguyễn Minh Tú, TS. Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ HTX - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
TS. Nguyễn Minh Tú, TS. Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tốc độ tăng trưởng năm 2013 của khu vực kinh tế này cũng đã chấm dứt tình trạng năm sau tăng thấp hơn năm trước. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng của khu vực HTX chỉ đạt 3,32%; năm 2011 và 2012 giảm xuống tương ứng chỉ còn 2,89% và 2,75%. Mặc dù Luật HTX có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013, nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế hợp tác năm 2013 đã tăng lên 3,27%, còn năm 2014 tăng lên 3,4%, năm 2015 dự kiến tăng 3,6%.

Nhưng so với khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước, thì kinh tế tập thể vẫn còn rất khiêm tốn cả về tỷ trọng đóng góp vào GDP lẫn tốc độ tăng trưởng?

Đúng là so với các khu vực kinh tế khác, HTX đóng góp vào GDP và đạt tốc độ tăng trưởng còn rất khiêm tốn. Nhưng nếu nhìn lại sự trượt dốc cả một thời gian dài, thì  thấy sự trỗi dậy của kinh tế tập thể rất có ý nghĩa, mới thấy được Luật HTX đi vào cuộc sống thế nào. Mức đóng góp vào GDP của HTX hiện còn thấp hơn nhiều so với kinh tế tư nhân (đóng góp 10,93%), kinh tế cá thể (đóng góp 32,27%), song trong khi tỷ lệ đóng góp vào GDP của HTX bắt đầu tăng dần, thì con số này của kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể lại bắt đầu giảm dần. Điều đáng nói là, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào khu vực HTX chỉ chiếm 0,58% đã cho thấy, khu vực HTX sử dụng vốn rất hiệu quả, có thể nói đạt hiệu quả cao nhất so với các khu vực kinh tế khác.

Nếu hoạt động của kinh tế hợp tác hiệu quả. Vậy ông giải thích thế nào trước thực tế số lượng HTX được thành lập mới rất ít so với doanh nghiệp?

Số lượng HTX thành lập mới trong gần 2 năm qua đúng là rất thấp. Nhưng tất cả các đơn vị mới thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã viên muốn hợp tác với nhau, hoạt động ngay theo đúng bản chất của Luật HTX là hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau tạo việc làm, tăng thêm thu nhập. Vì vậy, hầu hết số đơn vị mới thành lập đều hoạt động hiệu quả, thậm chí đạt hiệu quả rất cao.

Ở khu vực doanh nghiệp, có không ít trường hợp một cá nhân thành lập 5-7 doanh nghiệp, tạo ra việc làm cho xã hội rất ít, thậm chí không tạo thêm được bất cứ việc làm nào cho xã hội vì trong rất nhiều trường hợp, trong 1 doanh nghiệp, chồng làm giám đốc, con làm phó giám đốc, vợ làm kế toán trưởng. Trong khi đó, số lượng HTX thành lập rất ít, nhưng đến cuối năm 2014 đã có tổng số trên 6.646.600 xã viên, tăng 196.265 xã viên so với năm 2013; tổng số xã viên làm việc thường xuyên là gần 1.585.400 lao động, tăng hơn 57.420 lao động so với năm 2013.

Số lượng HTX thành lập nhiều hay ít không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là khu vực kinh tế này thu hút bao nhiêu lao động, có bao nhiêu người trước đây làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp tự nguyện hợp tác với nhau để tự tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống. Đây mới là bản chất của HTX.

Thế nhưng thu nhập của người lao động trong HTX vẫn thấp nhất so với tất cả khu vực kinh tế khác. Vì sao vậy, thưa ông?

Năm 2014, thu nhập bình quân của người lao động trong HTX là 24 triệu đồng, bình quân chỉ có khoảng 2 triệu đồng/tháng. Đúng là thu nhập của người lao động trong HTX còn rất thấp, nhưng đã tăng hơn 13% so với năm 2013 và cao hơn rất nhiều so với khi người lao động còn làm ăn nhỏ lẻ, manh mún.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, tuyệt đại đa số người làm việc trong HTX đều là xã viên. Vì thế, ngoài thu nhập hàng tháng, mỗi năm họ còn được nhận thêm phần lợi nhuận được chia (cổ tức) phụ thuộc vào số vốn đóng góp, mức độ đóng góp công sức, sử dụng dụng dịch vụ của HTX với tỷ lệ cổ tức rất cao, nên tổng thu nhập của họ cũng không thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã hội.

Kinh tế tập thể đã và đang khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế, nhưng so với khu vực doanh nghiệp, thì kinh tế tập thể dường như vẫn chỉ được coi là “con nuôi”. Ông có nghĩ như vậy không?

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khu vực kinh tế nào cũng gặp khó khăn như nhau. Trong khi các địa phương tổ chức rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ngân hàng cũng thực hiện nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp…, nhưng chưa địa phương nào, ngân hàng nào có chương trình tương tự với HTX.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện có nhiều quỹ hỗ trợ, đáng kể nhất là Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động khá hiệu quả thì kinh tế tập thể chỉ có mỗi Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nên cũng chẳng giúp gì nhiều cho khu vực kinh tế này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư