Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Kinh tế thế giới ra sao sau gần nửa chặng đường 2019?
An Bình (VGP News) - 31/05/2019 20:45
 
Tình hình kinh tế thế giới 5 tháng đầu năm có nhiều biến động khi tăng trưởng chậm lại nhanh hơn so với dự kiến, rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây cảnh báo tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục suy yếu. Theo báo cáo Chỉ số triển vọng thương mại thế giới (WTOI) công bố ngày 20/5, chỉ số về thương mại hàng hóa thế giới (gồm 7 thông số về thương mại) vẫn ở mức 96,3 (các chỉ số dưới ngưỡng 100 là dấu hiệu cho thấy xu hướng thương mại tăng trưởng thấp) và vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2010. WTO cảnh báo triển vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục theo đà đi xuống nếu cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt và các nước thất bại trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đáp ứng với tình hình thế giới. 

Trong dự báo tăng trưởng thương mại công bố hồi tháng 4, các chuyên gia kinh tế WTO dự đoán tăng trưởng thương mại trong năm 2019 có thể giảm xuống mức 2,6%, thấp hơn so với mức 3% của năm trước đó và tăng trở lại lên mức 3% vào năm 2020. Mức tăng trưởng khiêm tốn và triển vọng giá hàng hóa thế giới giảm khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm dự báo lạm phát tại các nền kinh tế phát triển xuống chỉ còn 1,6% năm 2019 (so với mức 2,0% năm 2018), trong khi lạm phát của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tăng nhẹ lên 4,9%.

Các đầu tàu kinh tế: Mừng nhiều, lo ít

Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý I/2019, đạt 3,2% và là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong vòng 4 năm qua. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc tháng 3/2019 giảm xuống 20,7 tỉ USD, thấp hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục 3,6% trong tháng 4/2019 (giảm so với 3,8% trong tháng 3). Tuy nhiên, chỉ số PMI ngành công nghiệp có dấu hiện tăng chậm lại trong tháng 4/2019. Tiêu dùng tư nhân tăng thấp nhất trong vòng một năm, đầu tư kinh doanh không có biến động. Căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và triển vọng kinh tế thế giới yếu đi có thể khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới.

Khu vực châu Âu tăng trưởng khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2019 đạt 0,4% (gấp 2 lần so với mức 0,2% đạt được trong quý IV/2018) và 0,5% tại khu vực EU28. Chỉ số PMI tổng hợp tháng 4 đạt 51,5 điểm, giảm so với mức 51,6 điểm tháng 3/2019. Những quốc gia có PMI cao trong tháng 4 là Ireland (53,4) Tây Ban Nha (52,9) và Đức (52,2). Tỉ lệ thất nghiệp tháng 3/2019 ở mức 7,7% - thấp nhất kể từ tháng 9/2008. So với tháng 2/2019, sản xuất công nghiệp tháng 3 giảm 0,3%. Tỉ lệ lạm phát tháng 4 là 1,7%.

Kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu tích cực. Chỉ số PMI tăng đáng kể do tăng trưởng việc làm và niềm tin kinh doanh được cải thiện, đạt 50,2 điểm tháng 4/2019 và tăng 1 điểm % so với tháng 3/2019 (49,2 điểm). Bên cạnh đó, Quốc hội Nhật Bản ngày 17/5/2019 đã thông qua dự luật cho phép chính phủ chi 800 tỷ yen (hơn 7,3 tỷ USD) để giảm thiểu tác động tiêu cực của kế hoạch tăng thuế tiêu dùng.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu trong tháng 5/2019. Doanh số bán lẻ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 16 năm. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp giảm xuống mức 5,4% trong tháng 4 (giảm mạnh so với mức tăng 8,5% của tháng 3). Tổng giá trị xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2019 đạt 9,509 nghìn tỷ NDT, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu tăng 5,7% và nhập khẩu tăng 2,9%. Tuy nhiên, tính riêng tháng 4/2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 2,7 điểm % so với tháng 3/2019. Chỉ số PMI chỉ đạt 50,1 điểm trong tháng 4, giảm 0,4 điểm % so với tháng 3/2019. CPI tháng 4/2019 tăng 2,5% và tăng 0,2 điểm % so với tháng 3/2019. Đồng nhân dân tệ (NDT) cũng giảm giá mạnh nhất trong 9 tháng gần đây. Tính đến ngày 13/5, NDT mất giá 0,8% so với USD, xuống 6,904 NDT đổi một USD. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2018.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn khó lường. Đầu tháng 5, Mỹ đã chính thức nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và khởi động trình tự pháp lý để áp thuế 25% đối với thêm 300 tỷ USD mặt hàng nhập khẩu nữa từ Trung Quốc. Trung Quốc đã tuyên bố bắt đầu tăng mức thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 1/6/2019 với các mức 25%, 20% hoặc 10%; đồng thời giữ nguyên nhóm đã áp thuế 5% trước đây. Tiếp đó, ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính tuyên bố cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị nước ngoài gây nguy hại đến an ninh quốc gia, mở đường cho việc cô lập hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 20/5, Chính phủ Mỹ đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc cho tới giữa tháng 8 tới nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của hãng công nghệ này trên thế giới.

Giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp

Giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp trong 5 tháng đầu năm 2019 do bất ổn địa chính trị thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Giá dầu sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 4/2019 đã có xu hướng sụt giảm mạnh do lo ngại nhu cầu dầu thế giới giảm, nhưng sau đó đã tăng do tâm lý về việc Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt ở Trung Đông. Giá nông sản trong tháng 5 tăng mạnh (giá ngô tăng 4,36%, giá gạo thô tăng 3,65%, giá lúa mỳ tăng 3,74%). Giá vàng tháng 5 biến động mạnh do căn thẳng thương mại Mỹ - Trung. Nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang đẩy kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái, giá vàng có thể tăng do vàng là loại tài sản đầu tư an toàn.

Về thị trường tài chính tiền tệ thế thế giới, đồng USD vẫn giữ xu hướng tăng, nhưng mức độ điều chỉnh đã ổn định hơn trong 1 vài tháng trở lại đây. FED tiếp tục phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất, hiện ở mức 2,25-2,5% với đánh giá rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ vững chãi và thị trường việc làm diễn biến khả quan.

Ngày 14/5/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã quyết định phá giá đồng NDT ở mức 0,6%. Đồng thời, PBoC cũng thông báo sẽ cắt giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng vừa và nhỏ, với mục đích nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ. Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

[Infographic] IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 xuống 3,3%
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 4/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống mức 3,3%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư