Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam: Nhập khẩu phục hồi nhanh hơn xuất khẩu
Hải Yến - 19/10/2023 10:33
 
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hoạt động nhập khẩu hàng hóa đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp đang mong đợi mở rộng sản xuất hơn nữa.
nhập khẩu đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp đang mong đợi mở rộng sản xuất
Nhập khẩu đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp mong đợi mở rộng sản xuất, theo WB.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 9 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố ghi nhận những cải thiện tích cực về hoạt động sản xuất và thương mại hàng hóa của Việt Nam.

Theo WB, quý III/2023, tăng trưởng GDP khởi sắc nhờ khu vực công nghiệp phục hồi. Kể từ tháng 5/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng dương qua từng tháng, và đạt mức tăng 3,5% trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu và nhập khẩu trong quý III/2023 tiếp tục giảm tương ứng 1,2% và 5,0% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức độ thu hẹp này nhẹ hơn nhiều so với hai quý trước, do hiệu suất hàng tháng liên tục được cải thiện – bao gồm cả xuất khẩu nông sản, dệt may, điện tử, điện thoại thông minh và vật liệu xây dựng

Nguyên nhân đến từ sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất trong nước và định hướng tập trung vào xuất khẩu, như lĩnh vực chế biến thực phẩm (tăng 9% ), dệt may (tăng 14,4%), sản phẩm đồ nội thất (tăng 17,8%), kim loại (thép và nhôm) (tăng 16,9%) so với cùng kỳ.

Sự phục hồi của sản xuất công nghiệp được phản ánh qua sự chuyển động theo chiều hướng đi lên trong hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng tương ứng 5,3% và 2,6% trong tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm trước, sau 10 tháng liên tiếp suy giảm. Cán cân thương mại hàng hóa tổng thể đạt thặng dư 2,3 tỷ USD vào tháng 9/2023 và 21,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

“Điều này phản ánh sự cải thiện về nhu cầu bên ngoài, cho thấy sự suy giảm trong thương mại hàng hóa đã chạm đáy”, World Bank nhận định.

Sự cải thiện được thể hiện rõ ở xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như gạo (tăng 156%), dệt may (121,7% ), điện tử và máy tính (110,7%) so với cùng kỳ.

Xuất khẩu và nhập khẩu hàng tháng tăng trưởng dương lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2022
Thương mại hàng hóa tháng 9/2023 khởi sắc hơn.

Cán cân thương mại hàng hóa tổng thể đạt thặng dư 2,3 tỷ USD vào tháng 9 năm 2023 và 21,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm do xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu.

Các chuyên gia của WB chỉ ra rằng, dựa vào số liệu, nhập khẩu đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp đang mong đợi mở rộng sản xuất hơn nữa.

"Từ tháng 4 đến tháng 9/2023, tốc độ tăng trưởng hàng tháng của xuất khẩu được cải thiện từ -16,2% so cùng kỳ lên +5,3% trong khi tốc độ tăng trưởng đối với nhập khẩu được cải thiện từ -23,1% lên +2,6% so với cùng kỳ.

Khảo sát của S&P Global tại Việt Nam chỉ ra rằng, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng trong cả tháng 8 và tháng 9, đặc biệt là từ các thị trường châu Á. 

Dù tăng trưởng kinh tế khởi sắc trong quý III/2023 nhờ xuất khẩu dần phục hồi, nhưng WB nhấn mạnh, tiêu dùng trong nước vẫn yếu và tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng trưởng chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu, xu hướng lạm phát tăng mạnh cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ. 

Trong báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại 9 tháng, Bộ Công thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu…, tồn kho tại các nước đang giảm dần.

Thêm yếu tố quan trọng thúc đẩy thương mại là nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm, kéo lượng đơn đặt hàng tăng lên. 

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam có động thái đã hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế, cũng mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện tích cực hơn.  

Ngoài ra, các FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục tác động tích cực đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Lưu ý tới các doanh nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, chính sách bảo hộ của các nước đang gia tăng, tập trung vào các yếu tố an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu,  doanh nghiệp cần cập nhập các quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu để đảm bảo tính tuân thủ.

GDP năm 2023 có thể tăng trên 5%, dự kiến năm 2024 tăng khoảng 6-6,5%
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư