Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Kon Tum tập trung tạo động lực thu hút đầu tư
Thu Hồng - 10/04/2013 16:36
 
Kon Tum quyết tâm chọn đúng mũi nhọn và tập trung vào giải pháp động lực để phát triển, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Nhìn vào chỉ tiêu phát triển năm 2013, Kon Tum đang đặt ra những bài toán khá nan giải để tăng tốc giữa bối cảnh kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn. Tỉnh xác định sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên 14%; thu nhập bình quân đầu người trên 26 triệu đồng; thu cân đối ngân sách hơn 1.633 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD. Cơ cấu kinh tế chủ lực của địa phương vẫn là nông, lâm, thuỷ sản (chiếm 37 - 38%), công nghiệp - xây dựng (chiếm 26 - 27%), và thương mại - dịch vụ (chiếm 35 - 36%).

Định hướng đúng mũi nhọn

Vốn là một tỉnh khó khăn ở Tây Nguyên, Kon Tum được chú ý ở 2 mảng là tài nguyên lâm nghiệp, nông sản và giao thương kinh tế. Đặc biệt, về giao thương kinh tế, Kon Tum có thể tự hào với vị trí đắc địa, ở cửa ngõ nối kết vùng Đông Dương, dễ lan tỏa theo 2 hướng Tây và Đông. Từ Kon Tum, dòng thương mại có thể nhanh chóng theo các quốc lộ 40, 24, 14 nối về Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và các cảng miền Trung; nối với hành lang kinh tế và thương mại quốc tế từ Myanmar - Đông bắc Thái Lan - Nam Lào về Tây Nguyên, Vùng duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.

Dựa vào lợi thế đó, trong nhiều năm qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung xây dựng mũi nhọn kinh tế nông, lâm, thủy sản. Tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án Phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực và Đề án Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2011 - 2015. Nhờ đó, các ngành hàng chiến lược của tỉnh như cao su, hoa quả xứ lạnh, cá hồi, cá tầm, sâm… đã nhanh chóng tăng trưởng cả số lượng và chất lượng.

Tỉnh cũng xác định tranh thủ các nguồn đầu tư của Trung ương và thu hút đầu tư từ doanh nghiệp để không ngừng khai thác, phát huy hiệu quả Khu công nghiệp Hòa Bình, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các khu, cụm công nghiệp khác. Hệ thống hạ tầng, giao thông liên lạc, các dịch vụ viễn thông… đều được đánh giá đầu tư nghiêm túc, song hành với chủ trương mở rộng các hoạt động thương mại quốc tế. Trong đó, mảng kinh tế du lịch được xác định là động lực quan trọng để thu hút thêm nguồn đầu tư bền vững từ các nhà đầu tư. Dự kiến đến năm 2030, Kon Tum quyết tâm xúc tiến đầu tư thành công vào Vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và Đô thị Kon Plông, với các hình thức liên kết liên doanh, đầu tư các tuyến, điểm du lịch toàn diện trên địa bàn.

Tập trung vào giải pháp động lực

Theo Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Kon Tum (tháng 4/2007), tỉnh đã xác định rất rõ những bước đi và giải pháp động lực căn bản.

Thứ nhất, chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xác định rõ 3 vùng kinh tế động lực quan trọng tại Thành phố Kon Tum, Cửa khẩu Bờ Y và huyện lỵ Kon Plông.

Thứ hai, Kon Tum chú ý huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tỉnh đặc biệt chú ý nguồn vốn đầu tư từ Trung ương để tạo nền tảng hạ tầng, qua đó thu hút thêm các nguồn vốn từ dân cư và doanh nghiệp.

Thứ ba, tỉnh xác định công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa là động lực quan trọng để thay đổi diện mạo kinh tế địa phương, hướng đến khả năng hội nhập.

Thứ tư, tỉnh tập trung cải tạo tốt năng lực quản lý, để tăng cường hiệu quả quản lý các dự án, chính sách phát triển kinh tế. Có thể nói, đây là thách thức rất lớn với Kon Tum. Theo đánh giá chung, Kon Tum đã bước đầu sắp xếp hiệu quả nhiều lĩnh vực và tăng cường giám sát tốt công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch quản lý ngành.

Chú trọng nguồn nhân lực

Một phép tính động lực quan trọng khác của Kon Tum là nguồn nhân lực. Có thể nói, với một tỉnh có dân số ít, mức độ dân trí chưa cao và đều, đòi hỏi thiết kế được nguồn nhân lực chất lượng cao là rất khó. Theo báo cáo của tỉnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Kon Tum hiện đạt khoảng 35%, trong đó, khoảng 60% có trình độ trung học chuyên nghiệp, chưa đến 30% đạt trình độ đại học và cao đẳng.

Điều đó cho thấy, nguồn nhân lực của địa phương chỉ có thể đáp ứng các yêu cầu ổn định kinh tế, chưa thể thỏa mãn đòi hỏi chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hội nhập quốc tế, gia tăng số lao động có kỹ thuật cao ở nhiều ngành nghề mới tại nhiều địa bàn.

Để giải quyết vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Kon Tum cần có sự giao thoa mạnh hơn với các địa phương lân cận, nối kết nhân lực với các đầu mối lao động kỹ thuật như TP.HCM, Đà Nẵng… Trong đó, sự cổ vũ các doanh nghiệp sử dụng lao động “thuê” từ các nguồn khác sẽ là cách hữu hiệu. Kon Tum chú ý đến vai trò đào tạo liên kết với các tỉnh thành lớn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về nhân lực cho địa phương.

Có thể nói, bài toán động lực phát triển cho Kon Tum đã được chính quyền tỉnh và các cấp, ngành xác định rõ nét cũng như thực thi rốt ráo, kỳ vọng tạo nên một sự thay đổi lớn kinh tế trong tương lai gần. Kon Tum đang tự tin sải những bước đi mới, với hoạch định ngày càng chất lượng hơn trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư