Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
KQKD quý II/2023: Ngân hàng tăng nợ xấu, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sụt giảm
Thanh Thuỷ - 06/08/2023 09:29
 
Lợi nhuận ở nhóm 25 ngân hàng trên sàn chứng khoán giảm nhẹ 3,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số liệu từ báo cáo phân tích của VNDirect cũng chỉ ra sự sụt giảm của tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).

Lợi nhuận phân hoá, vùng đáy NIM có thể ở quanh mức hiện tại

Thống kê kết quả kinh doanh của 25 ngân hàng lớn nhất trên sàn chứng khoán, ltổng lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 61.600 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại quý II/2022, tăng trưởng lợi nhuận đạt 36,1%.

Có sự phân hoá đáng kể giữa lợi nhuận các ngân hàng trong quý vừa qua khi số lượng ngân hàng tăng trưởng/ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ khá ngang ngửa. Một số nhà băng báo lãi tăng rất mạnh như Sacombank (+80%), OCB (+74,5%) hay NamABank (45%), ở chìều ngược lại, cũng có nhưng ngân hàng giảm sâu như ABBank,  BVBank (tiền thân là ngân hàng Bản Việt)  chỉ thu về mức lợi nhuận bằng chưa tới 10% cùng kỳ.

Không riêng về lợi nhuận, tăng trưởng lợi nhuận cũng ghi nhận sự phân hoá đáng kế. Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích Chứng khoán VNDirect chỉ ra những ngân hàng tỷ lệ cho vay cao với ngành bất động sản như TCB, HDB cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng quý II/2023 chậm lại khi thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn như tăng trưởng tín dụng của TCB và HDB chỉ đạt lần lượt 0,57% và 0,19% sv quý trước). Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Trong quý II/2023, tín dụng của ACB tăng 5,51%; VIB tăng 2,19% sv quý trước, cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng.

Một số ngân hàng với câu chuyện cũng có mức tăng trưởng tín dụng đáng chú ý. MBB, với kế hoạch tham gia tái cấu trúc một tổ chức tín dụng yếu kém, cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao (+6,49% sv quý trước) cũng như được giao hạn mức tín dụng tốt hơn so với bình quân ngành (~24%). Tương tự, với VPBank, tăng trưởng tín dụng đạt 5,0% so với quý trước và được giao hạn mức 24% cho năm 2023 chủ yếu nhờ thanh khoản dồi dào sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC.

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia Khối Phân tích VNDirect kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu. Ngược lại, trong nửa cuối năm, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023 (hiệu lực từ tháng 9/2023) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Cũng theo chuyên gia phân tích từ VNDirect, số liệu thống kê trên 25 ngân hàng lớn nhất trên sàn đang cho thấy sự sụt giảm đáng kể của tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành, khi giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,41% và xuất hiện trên diện rộng với 19/25 ngân hàng ghi nhận giảm NIM. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần đạt mức thấp nhất kể từ quý IV/2020.  

Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có Sacombank, VIB và VietinBank có thể duy trì mức NIM cao hơn cùng kỳ. Trong đó, VIB và VietinBank đã thành công trong việc tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng khi tỷ lệ vốn liên ngân hàng /tổng nguồn vốn hai ngân hàng tăng lần lượt 4,3% và 4,9%. NIM của Sacombank cải thiện mạnh trong năm 2023 khi không còn áp lực lãi dự thu. Ở chiều ngược lại, NIM của VPB, TCB, LPB và TPB tiếp tục giảm mạnh nhất khi thị trường TPDN và bất động sản vẫn gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản.

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tại 25 ngân hàng lớn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý IV/2020

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành cho thấy sự cải thiện từ mức 17,6% tại cuối quý I20/23 lên 18,2% tại cuối Q2/23 khi lãi suất tiền gửi giảm liên tục theo 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành.

Khối phân tích VNDirect nhận định chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn do hai lần cắt giảm lãi suất điều hành diễn ra vào cuối quý II/2023 sẽ “ngấm” rõ hơn từ nửa cuối 2023 trở đi.

“Vùng đáy NIM có thể ở quanh mức hiện tại. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế”, báo cáo của VNDirect nêu. Trong nửa cuối năm, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay cá nhân cao, tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) thấp và tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành.

Nợ xấu tiếp tục gia tăng, chi phí trích lập dự phòng tiếp tục là lo ngại

Cũng theo VNDirect, tỷ lệ nợ xấu của nhóm 25 ngân hàng lớn nhất trên sàn đã tăng lên 2,1% tại cuối quý II/2023. từ mức 1,9% tại cuối quý I. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm từ 106% xuống 98% sau ba tháng. Ngoài ra, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, tổng giá trị nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, tương đương với 0,5% tổng tín dụng toàn hệ thống. 

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hầu như sụt giảm tại cuối quý II/2023 (ngoại trừ VCB)

Tại mỗi ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đều tăng. Đối với tỷ lệ bao phủ nợ xấu, trừ Vietcombank, tỷ lệ này tại các nhà băng khác hầu như sụt giảm. Theo VNDirect, chi phí dự phòng tiếp tục là lo ngại trong nửa cuối năm 2023 khi tốc độ tăng của nợ xấu và nợ nhóm 2 đã nhanh hơn mức tăng của chi phí dự phòng.

Các ngân hàng thương mại với dự phòng vững chắc và danh mục tín dụng lành mạnh có ưu thế hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn về vấn đề thanh khoản như hiện tại.

Ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lượng dự trữ vàng
Chỉ trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mua vào tổng cộng 387 tấn vàng. Đây con số cao kỷ lục kể từ năm 2000, khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư