Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
KSD và giấc mộng tái cấu trúc
Chí Tín - Kỳ Thành - 17/10/2014 12:27
 
Việc Tổng công ty cổ phần Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico (KSD) liên tiếp công bố các kế hoạch tái cấu trúc đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Quỹ VNI của VinaCapital sẽ chuyển sang mô hình quỹ mở
DHG tập trung phát triển thị trường nội địa
Đại hội cổ đông XNK Đông Nam Á Hamico

Một mã cổ phiếu bỗng dưng được quan tâm thời gian qua khi tăng cả về thanh khoản lẫn thị giá là KSD của Tổng Công ty CP Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico. Cụ thể, mã cổ phiếu này đã có 2 sóng tăng trong hơn một tháng qua, khi tăng từ mức 5.000 lên 7.100 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tuần (5/9 - 12/9) và từ 5.900 lên 8.200 đồng/cổ phiếu (25/9 - 3/10). Cùng với đó, thanh khoản của cổ phiếu KSD cũng tăng khá mạnh, một số phiên thậm chí đạt trên 1,4 triệu đơn vị được khớp lệnh so với nhiều phiên trước đó chỉ đạt vài chục ngàn đơn vị. Thậm chí, cổ phiếu này cũng đã bắt đầu được khối ngoại nhòm ngó khi khối này mua vào 149.030 cổ phiếu phiên 14/10. Câu chuyện tái cấu trúc của KSD có phải là nguyên nhân giúp cổ phiếu này tăng giá?

Bối cảnh phải tái cấu trúc

KSD chuyên sản xuất và xuất khẩu mắc áo sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Đây vốn là một ngành hàng từng mang lại lợi nhuận tốt cho KSD trong giai đoạn 2009-2010, khi đem lại lợi nhuận sau thuế năm 2009 và 2010 đạt lần lượt là 10,1 tỷ đồng và 9,9 tỷ đồng.

  KSD, sản xuất mắc áo  
  Nhà máy sản xuất mắc áo của KSD, lĩnh vực từng mang lại lợi nhuận tốt cho KSD trong năm 2009 - 2010. Ảnh: K.T  

Năm 2010, KSD đã bỏ ra 36,84 tỷ đồng thành lập 2 công ty con là Công ty cổ phần Xuất khẩu Nam Á Hamico và Công ty TNHH Linh Sa Hamico để mở rộng quy mô sản xuất sau khi nhận thấy tiềm năng phát triển của mặt hàng này.

Tuy nhiên, năm 2012, KSD đã gặp khó khăn khi vướng phải phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng mắc áo bằng thép xuất từ Việt Nam. Đây là nguyên nhân khiến KSD ghi nhận lỗ năm 2012 và 3 quý đầu năm 2013. Năm 2012, KSD đã phải bán Công ty cổ phần Xuất khẩu Nam Á Hamico với giá 5,76 tỷ đồng (vốn điều lệ 16 tỷ đồng, KSD nắm 98,5%) và Công ty TNHH Linh Sa Hamico là 6 tỷ đồng (vốn điều lệ 25 tỷ đồng, KSD nắm 84,32%). Liên tiếp gặp khó khăn trong kinh doanh, vốn chủ sở hữu của KSD đã bị giảm, tại thời điểm cuối năm 2012, KSD đã ghi nhận lỗ lũy kế 40,48 tỷ đồng.

Ông Đoàn Minh Dũng, Thành viên HĐQT, cho biết, sau khi nhận phán quyết của DOC, KSD đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Trước đó, Công ty có khoảng 700 cán bộ công nhân viên nhưng hiện đã giảm chỉ còn gần một nửa.

Hoạt động của KSD bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn khi ông Trương Duy Thắng, Chủ tịch HĐQT hiện nay của Công ty lên nắm quyền vào tháng 11/2012. Ngồi vào “ghế nóng” của KSD khi doanh nghiệp này đang trong thời điểm khó khăn nhất, việc đầu tiên ông Thắng thực hiện là xốc lại tinh thần của bộ máy lãnh đạo và tái cấu trúc toàn bộ nhân sự cấp cao, nguồn vốn, tài sản, phương thức bán hàng và quản trị doanh nghiệp. Những hoạt động tái cấu trúc của KSD đã đem lại kết quả khả quan khi con số lỗ giảm dần qua từng quý. Quý III/2013, KSD bắt đầu có lãi đạt 1,65 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2013 lãi 507 triệu đồng.

Để tìm đường tái cấu trúc, KSD cũng từng nuôi tham vọng với nhiều dự án như sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, lưới thép B40, viên gỗ nén, ắc quy, pin năng lượng mặt trời trong suốt 2 năm qua nhưng năng lực và khả năng thích ứng công nghệ của KSD chưa cho phép hiện thực hóa giấc mơ này.

Chiêu huy động vốn bằng cách “bán mình”

Kết quả kinh doanh khả quan nêu trên cũng không làm giới đầu tư chú ý nhiều. KSD chỉ thực sự trở nên thu hút hơn khi liên tiếp công bố các kế hoạch chuyển mình thời gian gần đây.

Cụ thể, sau hai lần tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường không thành công do chỉ có đại diện 26% số cổ phần đủ quyền biểu quyết, đến ngày 1/10, KSD đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2014 chuẩn bị cho lần tổ chức Đại hội thứ 3, với những bất ngờ cho giới đầu tư. KSD đã công bố hàng loạt động thái cho chiến lược tái cấu trúc Công ty và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, tăng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2014, mua cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Klinh, thành lập công ty con, đổi tên công ty mẹ, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Động thái này ngay lập tức làm cho giới đầu tư hoài nghi về chiến lược của Công ty. Nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi, với giá trị sổ sách hiện tại là 6.700 đồng/cổ phiếu, thị giá các phiên cuối tháng 9 thấp hơn giá trị sổ sách, thì ai sẽ mua cổ phiếu phát hành thêm của KSD? Chưa kể, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận bỗng dưng điều chỉnh tăng đột biến, khi KSD đặt mục tiêu doanh thu đạt 180 tỷ đồng, tăng 2,23 lần so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 8 tỷ đồng, tăng 6,67 lần so với kế hoạch. Tuy nhiên, thông tin trên cũng đã tạo sóng cho cổ phiếu KSD, khi bất ngờ tăng trần 2 phiên sau đó, với khối lượng khớp lệnh mỗi phiên đạt 1,2 - 1,4 triệu đơn vị.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ ngày 9/10, những thông tin do ông Trương Duy Thắng công bố đã phần nào giải đáp thắc mắc của giới đầu tư. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Thắng cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu từ hoạt động sản xuất chính của KSD đạt 78,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1,5 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch cũ.

Ông Thắng cũng tự tin cho biết, mục tiêu hoàn thành kế hoạch mới của KSD khi thời gian từ nay đến cuối năm 2014 chỉ còn rất ít là hoàn toàn khả thi. Cụ thể, quý IV/2014, KSD sẽ hoàn tất việc thâu tóm 1,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Klinh (tương đương 96,97% vốn cổ phần) sau khi được ĐHĐCĐ thông qua hôm 9/10. KSD sẽ được ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ Klinh do sau thương vụ này, Klinh sẽ trở thành công ty con của KSD.

Klinh là một doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất, thương mại về nông nghiệp lợn thịt, lợn giống và hoa phong lan. “Đây là những ngành nghề bền vững, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, có thị trường rộng và ổn định”, ông Thắng khẳng định. Ông Thắng cũng không loại trừ khả năng gặp rủi ro kinh đầu tư vào lĩnh vực này, bởi các yếu tố về thời tiết và dịch bệnh luôn rình rập.

Tuy nhiên, hoạt động tái cấu trúc đáng kể nhất của KSD là đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư DNA và bổ sung 74 ngành nghề kinh doanh. Lý giải về động thái này, Tờ trình ĐHĐCĐ cho thấy, KSD sẽ hoạt động theo mô hình công ty đầu tư, tham gia góp vốn và quản trị các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Để có vốn thực hiện tái cấu trúc, KSD đã chấp nhận bị thâu tóm khi bán toàn bộ 21,6 triệu cổ phiếu sắp phát hành (tương đương 63,16% vốn cổ phần sau phát hành) cho Công ty TNHH Tiến Đại Phát, một công ty đã hoạt động 14 năm trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế. Sau thương vụ này, giá trị sổ sách cổ phiếu KSD cũng sẽ tăng từ 6.700 đồng lên 8.840 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá hiện nay là 6.800 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 16/10).

Ông Thắng chưa tiết lộ cụ thể nhưng khẳng định KSD sẽ đem số vốn này đầu tư vào Dự án Tổ hợp nhà ở kết hợp văn phòng VIWASEEN (Thanh Xuân, Hà Nội) và Dự án Nhà máy sản xuất cửa nhựa lõi thép. Mặc dù đầu tư vào bất động sản vào thời điểm hiện nay vẫn mang nhiều rủi ro, nhưng ông Thắng cho biết, các hoạt động đầu tư này chỉ tập trung vào đầu tư tài chính và tham gia quản trị.

KSD cũng cho biết sẽ duy trì hoạt động sản xuất mắc áo và thành lập công ty con là Công ty TNHH MTV Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico (vốn điều lệ 80 tỷ đồng, KSD nắm 100%) để quản lý hoạt động sản xuất này. Toàn bộ máy móc, thiết bị sản xuất mắc áo được KSD đầu tư vào thời điểm việc kinh doanh của KSD đang gặp thuận lợi, nên chưa thể khấu hao hết. Do đó, việc KSD duy trì sản xuất mắc áo nhằm mục đích khấu hao hết tài sản này, và bởi “đây là ngành nghề đã tạo nên tên tuổi và vẫn mang lại lợi nhuận cho công ty”, ông Thắng chia sẻ.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2015, KSD dự kiến doanh thu 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng. Ông Thắng kỳ vọng, với kế hoạch này, KSD có thể sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch và hết lỗ lũy kế trong năm 2015 và KSD có thể bắt đầu chia cổ tức cho các cổ đông.

Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2014 - 2015:

STT

Chỉ tiêu

Kế hoạch 2014 (cũ)

Kế hoạch 2014 (mới)

Kế hoạch 2015

1

Vốn điều lệ

120 tỷ đồng

342 tỷ đồng

342 tỷ đồng

2

Doanh thu

79 tỷ đồng

180 tỷ đồng

300 tỷ đồng

3

Lợi nhuận trước thuế

1,5 tỷ đồng

10 tỷ đồng

30 tỷ đồng

4

Lợi nhuận sau thuế

1,2 tỷ đồng

8 tỷ đồng

24 tỷ đồng

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư