Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV và những quyết sách quan trọng
Hà Nguyễn - 22/10/2018 08:27
 
Với chương trình dự kiến thông qua 9 dự án luật, phê chuẩn một hiệp định và cho ý kiến 6 dự án luật khác, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, khai mạc sáng nay (22/10) tại Hà Nội thực sự là kỳ họp của những quyết sách quan trọng.

Điều đó thể hiện rõ ở việc nhiều dự án luật dự kiến được thông qua và cho ý kiến, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Đầu tư công sửa đổi; Luật Giáo dục sửa đổi… 

Nếu như Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch sẽ góp phần quan trọng tạo ra các “điều kiện đủ” cho việc thực thi Luật Quy hoạch, từ đó tạo bước đột phá trong công tác lập và quản lý quy hoạch của Việt Nam, thì Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ góp phần giải quyết một loạt khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, qua đó không chỉ thúc đẩy giải ngân nhanh, mà còn nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, Luật Giáo dục sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển tích cực trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như thực hiện thành công các đột phá chiến lược của giai đoạn 2011 - 2020…

Hẳn nhiên, không thể không nhắc tới việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một hiệp định “thế kỷ”, đã được chờ đợi từ lâu và sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế - xã hội đến ngoại giao của Việt Nam. Việc phê chuẩn hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, mở ra không gian kinh tế mới cho nền kinh tế, tạo nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn sau.

Vì là kỳ họp cuối năm, nên như thông lệ, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV còn phải thảo luận và quyết nghị các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, năm bản lề của việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và cũng là năm nước rút để thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. Để hoàn thành Kế hoạch 5 năm, cũng như Chiến lược 10 năm, thì đây là thời điểm thích hợp để xem xét và đánh giá lại kết quả 3 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 cũng như, xem xét, đánh giá lại các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng...

Hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra cho năm 2019, Việt Nam có cơ hội để thực hiện tốt hơn các mục tiêu của Kế hoạch 2016 - 2020. Vì thế, không chỉ là phải lựa chọn được mục tiêu phát triển phù hợp, mà còn là tìm các giải pháp để làm sao năm 2019, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6,6 -  6,8%, tạo nền tảng cho sự phát triển của giai đoạn sau.

Tương tự, cùng các mục tiêu ngắn hạn, là làm sao thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, một tiến trình mà theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, là còn khá chậm. Nếu tiến trình này bị trì hoãn, thì nguy cơ tụt hậu của Việt Nam là không nhỏ. Trong bối cảnh đó, quyết sách nào là hợp lý và chính xác giúp kinh tế Việt Nam có đà bứt phá trong giai đoạn tới là đề bài đòi hỏi phải sớm có đáp án chính xác. 

Rất nhiều câu hỏi tương tự sẽ được đặt ra và cần được các đại biểu Quốc trả lời trong kỳ họp lần này, để có những quyết sách quan trọng cho sự phát triển của kinh tế đất nước trong năm tới, cũng như cho giai đoạn tiếp theo.

[Infographic] Những nội dung chính của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 22/10 đến ngày 21/11/2018. Tại kỳ họp này, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư