Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 09 năm 2024,
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Hà Nguyễn - 02/09/2024 07:00
 
Sau 79 năm giành Độc lập, gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Năm mươi lăm năm thực hiện Di chúc của Bác, đất Việt đã vượt qua bao thử thách, chông gai để chiến thắng kẻ thù xâm lược và vươn mình trỗi dậy trong phát triển kinh tế - xã hội

Hành trình kiên cường

Sau 79 năm giành Độc lập, gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), tổ chức ngày 29/8, đã nói điều ấy.

Không chỉ lần này, trong các cuộc họp gần đây để chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, cũng như để chuẩn bị cho việc tổng kết 40 năm Đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đều nhấn mạnh về việc Việt Nam sẽ “tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Gần 8 thập kỷ đã qua đi, kể từ ngày Thu tháng Tám năm 1945, khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa “long trời, lở đất”, giành chính quyền về tay, để rồi sau đó, ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức tuyên bố với thế giới về một đất nước Việt Nam tự do và độc lập.

Tám thập kỷ là một hành trình không dài trong xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc Việt Nam. Nhưng, đó là một hành trình bất khuất, kiên cường và đầy kiêu hãnh, khi chúng ta lần lượt thắng Pháp, thắng Mỹ, không chỉ có một chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mà còn có đại thắng mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và hơn hết, là hành trình gần 40 năm Đổi mới, đưa Việt Nam - như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khi chủ trì một cuộc hội thảo về 40 năm Đổi mới cách đây ít lâu cũng đã nói về bước phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Bởi nếu cần cân, đo, đong, đếm, thì con số quy mô nền kinh tế từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới tăng lên 430 tỷ USD vào năm 2023 đã là một minh chứng hùng hồn nhất. Từ một nước nghèo, người dân Việt Nam đã có GDP bình quân đầu người hơn 4.300 USD vào năm 2023, tăng 58 lần so với những năm đầu Đổi mới. Tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,9%.

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao Việt Nam. Cả Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều nói về sự thay đổi tư duy, về những bước tiến dài và dũng cảm trong hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cũng bởi thế, Việt Nam mới có thể từ một nền kinh tế lạc hậu, vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

Và từ một đất nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.

Những thành tựu ấy chính là nền tảng để Việt Nam, những năm gần đây, đã kiên cường vượt qua thách thức nghiêm trọng và khôn lường của đại dịch Covid-19 cũng như biến động địa chính trị toàn cầu. Không chỉ vượt qua và đứng vững, Việt Nam giờ đây còn là tâm điểm của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, bao gồm cả chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Việt Nam trở thành hình mẫu cho những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Đến mức, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab còn nói rằng, giờ đây, cả thế giới đang hướng về Việt Nam - một nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tàu tăng trưởng của khu vực.

Có mấy nền kinh tế trong gian khó vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực như Việt Nam, kể cả trong những năm Covid-19 hoành hành? Năm nay, 6 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,42% và nhiều khả năng cả năm sẽ đạt tới con số 7%. Sẽ tiếp tục là một năm thành công, khi Việt Nam thuộc danh sách các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Bền bỉ và kiên cường, thành công đã tiếp tục được ghi dấu ở đất Việt ngàn năm văn hiến.

Bắt đầu “kỷ nguyên vươn mình”

Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Bởi thế, hành trình 79 năm qua của đất Việt vừa anh dũng, kiên cường, nhưng cũng thấm đẫm tình yêu thương, tính nhân văn sâu sắc.

Nếu có đặt câu hỏi rằng, điều gì làm nên những thành công đó cho Việt Nam, thì câu trả lời, dù ở thời chiến hay thời bình, vẫn là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết một lòng. Chưa bao giờ tình yêu đó mai một và càng trong khó khăn, thì tinh thần ấy càng rực sáng.

Hành trình 79 năm qua của đất Việt vừa anh dũng, kiên cường, nhưng cũng thấm đẫm tình yêu thương, tính nhân văn sâu sắc.

Nhớ hôm cả nước tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ, hàng ngàn người vừa khóc vừa hát vang lời ca trong bài Quốc ca bất hủ. Thấy để hiểu rằng, triệu triệu trái tim Việt luôn sẵn sàng bên nhau, đoàn kết một lòng, hướng đến những điều đẹp đẽ, lớn lao hơn. Và cũng thấy để tin rằng, dù phía trước khó khăn đến đâu, chỉ cần quyết chí, đồng lòng, mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua.

Giờ là thời khắc ấy. Đất nước, nền kinh tế đang gặp vô vàn khó khăn, nhất là khi địa chính trị toàn cầu còn bất ổn, kinh tế toàn cầu chưa thể sớm phục hồi. Chưa kể, còn rất nhiều vấn đề trong nội tại nền kinh tế hiện nay, áp lực tăng trưởng, nguy cơ sập các bẫy phát triển vẫn đang hiện hữu... Trong khi đó, mục tiêu thịnh vượng vào các dấu mốc 2030 và 2045 trong hành trình phát triển của dân tộc đã được định sẵn.

Việt Nam, có thể nào không, lại tiếp tục giành chiến thắng?

Năm mươi lăm năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi về với các cụ Các-Mác, Lê-nin, đã để lại di chúc thiêng liêng. Người viết rằng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Năm mươi lăm năm thực hiện Di chúc của Bác, đất Việt đã vượt qua bao thử thách, chông gai để chiến thắng kẻ thù xâm lược và vươn mình trỗi dậy trong phát triển kinh tế - xã hội. Giờ là lúc để Việt Nam viết tiếp hành trình ấy.

Tất nhiên, viết không phải chỉ bằng những lời hô khẩu hiệu chung chung, mà bằng nỗ lực của mỗi người. Cả 100 triệu người dân đất Việt, mỗi người nỗ lực thêm mỗi ngày, con đường phía trước ắt hẳn sẽ bớt chông gai.

Hơn thế nữa, các sách lược, chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam cũng đã và đang được vạch sẵn. Không chỉ là tăng trưởng, mà còn là tăng trưởng xanh, là mục tiêu đạt net zero vào năm 2050. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn là dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong, như bán dẫn, AI, hydro xanh. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai tác tài nguyên như trước, mà còn phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là làm sao phát huy, làm mới được các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, mà còn là phát huy được các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… và bằng cả các mô hình kinh tế mới…

TP.HCM và Đà Nẵng, những đầu tàu kinh tế của cả nước giờ đây đang nỗ lực từng ngày để vươn mình phát triển, trở thành các trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu. Còn Hà Nội ngàn năm văn hiến, bên cạnh là trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước, cũng đang từng bước đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; là trung tâm kinh tế tài chính lớn, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực…

Giờ đây, cả nước đang dồn lực, bứt tốc để làm sao có thể hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, để làm sao xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, cho mọi dòng máu Việt, dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài.

Thách thức là to lớn, khó khăn là vô cùng, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần ‘tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc’, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân làm nền tảng, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…”.

Có được niềm tin ấy, con đường đi đến phồn thịnh sẽ không còn xa!

[Infographic] Sự kiện mở đầu cho hành trình vĩ đại của dân tộc Việt Nam
Cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc này mang tên Nguyễn Tất Thành, bắt đầu cuộc hành trình ra nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư