Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Kỳ thi lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội: Đề thi Toán, Lịch sử "dễ thở", phổ điểm ở mức 7-8
D.Ngân - 13/06/2021 13:06
 
Sáng 13/6, hơn 93.000 thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội bước vào buổi thi thứ 2- cũng là buổi thi cuối cùng của kỳ thi với 2 môn Toán và Lịch sử

Đề Toán: Độ khó giảm

Theo quy chế, thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán trong thời gian 90 phút (từ 8h30 đến 10h); tiếp đến thí sinh làm bài thi môn Lịch sử trong thời gian 45 phút (từ 10h30 đến 11h15).

Theo chuyên gia đề thi Toán, Lịch Sử giảm độ khó, phổ điểm ở mức 7-8 

Về nhận xét đề thi năm nay theo chuyên gia giáo dục, nhìn chung về cấu trúc đề năm 2021 về cơ bản không có sự thay đổi so với năm 2020. Đề thi vẫn tập trung chú trọng đánh giá các yêu cầu về kiến thức, yếu tố thực tế chưa chiếm tỉ lệ cao. Đề thi giảm về độ khó và giảm bớt 1 số ý trong câu hỏi cho phù hợp với tình hình thực tế. 

Tuy nhiên, với thời lượng làm bài là 90 phút, việc hoàn thành 5 câu hỏi vẫn là một thách thức lớn đối với các em thí sinh; đòi hỏi các em phải nhanh và chính xác trong từng câu hỏi để có thể hoàn thành tốt bài thi.

Thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên môn Toán, Hệ thống Giáo dục Hocmai cho biết đề thi vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi 2-3 năm trở lại đây. Độ khó và số lượng câu hỏi của đề giảm đi nhưng nội dung về cơ bản vẫn được giữ nguyên.

Với việc thời gian làm bài giảm đi 1/4, điều này đòi hỏi thí sinh cần có sự tỉ mỉ và chính xác trong quá trình làm bài, để tránh mất điểm. 

Đề thi phù hợp với thời gian 90 phút và vẫn đảm bảo phân loại học sinh trong việc xét tuyển vào lớp 10. Các đơn vị kiến thức đều nằm trong chương trình học của học sinh, theo đúng định hướng tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phổ điểm sẽ phổ biến ở mức 7-8 điểm.

Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên môn Toán, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam thì cho rằng cấu trúc đề thi và các dạng giống như các năm gần đây. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi trong đề thi năm nay đã giảm bớt đáng kể do thời gian thi chỉ còn 90 phút, đặc biệt giảm một số ý mang tính phân loại học sinh. 

“Nhìn chung với đề thi này là phù hợp với thời lượng 90 phút và vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh. Phổ điểm chung mà học sinh có thể đạt được là 7 điểm. Tuy nhiên với những học sinh ôn tập bài bản và kỹ thì điểm 8-9 thì các em hoàn toàn có thể đạt được”, thầy Cường cho hay.

Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán, trường THCS Archimedes Academy (Hà Nội) cũng đánh giá, đề thi đã được giảm bớt 2 ý vận dụng thường thấy trong cấu trúc đề thi.

Đó là những đơn vị kiến thức đòi hỏi nhiều thời gian suy nghĩ. Với cấu trúc đề thi như thế này, vẫn đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và hai ý vận dụng còn cũng đủ phân loại học sinh giỏi trong khoảng thời gian giới hạn 90 phút. 

Thầy Quang cũng có lời khuyên cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 9, sang năm tiến hành thi vào 10 thì mặc dù về hình thức thi thay đổi, nhưng kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước. Như vậy, các em năm sau vẫn bám sát vào cấu trúc đề thi các năm trước, lấy các dạng bài đó làm trọng tâm ôn tập. 

“Tuy nhiên, đề thi luôn có xu hướng đổi mới, vì vậy ngoài những phần kiến thức trọng tâm này các em cần lưu ý sang năm có gì thay đổi về hình thức thi, về xu hướng đổi mới gì không (như phần toán thực tế trong đề thi”, giáo viên này cho hay.

Lịch sử: Phổ điểm dao động 8 điểm

Với đề thi môn Lịch sử, theo ý kiến của nhiều giáo viên, đề thi vừa giảm số lượng câu hỏi, vừa giảm nhẹ về yêu cầu đánh giá. 

Nội dung câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử 9 với khoảng hơn 90% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, có 2 câu hỏi vận dụng, không có câu hỏi dạng so sánh hoặc khái quát tổng hợp hay liên chuyên đề. 

Tuy nhiên, so với các năm trước, cấu trúc đề thi có sự thay đổi gồm 2 phần với việc phân bổ điểm khác nhau. Cụ thể, phần 1 có 20 câu hỏi nhận biết và thông hiểu, phủ đều các chuyên đề lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. 

Trong phần này, nội dung hầu hết xoay quanh việc tái hiện kiến thức lịch sử, đặc biệt xuất hiện cách đặt câu hỏi mới nêu đặc điểm của đối tượng yêu cầu học sinh nhận dạng giai cấp. Phần này, những thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản hoàn toàn có thể xử lí nhanh gọn, không chút khó khăn và đạt được 7 điểm.

Phần 2 gồm 10 câu bao gồm 2 câu hỏi vận dụng. Trong phần này có 3 câu lịch sử thế giới, 7 câu lịch sử Việt Nam, mức độ câu hỏi khó hơn phần 1 với mục đích phân hóa thí sinh. Điểm đặc biệt trong phần này là học sinh cần khai thác kênh hình  hoặc ý nghĩa của các sự kiện lịch sử, các mốc thời gian.

Mặc dù phần 2 với số lượng câu hỏi ít hơn và điểm trung bình câu thấp hơn phần 1 nên dù các em trả lời chưa chính xác thì khả năng mất điểm cũng ít hơn. Thí sinh cần tinh ý trong việc phân bổ thời gian làm bài để tối ưu điểm số từ sự phân chia này.

TS. Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử, Hệ thống Giáo dục Hocmai chia sẻ đề thi môn Lịch sử vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021 - 2022 hoàn toàn vừa sức với học sinh, về nội dung đề thi đã trải đều chương trình kiến thức lịch sử lớp 9, không có nội dung nằm trong chương trình giảm tải. 

Kiến thức của đề thi trải dài ở các chuyên đề lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, các câu hỏi vừa sức với học sinh mang tính thông hiểu và nhận biết, bên cạnh đó có một số câu hỏi mang tính nâng cao nhằm phân loại học sinh. 

Với những câu hỏi này yêu cầu học sinh cần có quá trình học bài bản và đọc kỹ sách giáo khoa trong quá trình ôn tập thì hoàn toàn có thể hoàn thành tốt bài thi. Nhìn chung với đề thi này học sinh đạt điểm cao thì khá là nhiều, đề thi hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay khi đã giảm bớt thời lượng làm bài và số lượng câu hỏi trong đề thi. 

Đối với học sinh chuẩn bị lên lớp 9 các em nên có chiến lược học tập ngay từ đầu năm học, đó là học đều tất cả các môn học ngay từ đầu năm học và nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Với tâm thế học như vậy thì các em hoàn toàn có thể chủ động và tự tin đối với các phương án tuyển sinh mà Hà Nội đưa ra trong năm học tiếp theo. 

Cô Trần Mai, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định đề thi vừa sức, bám sát với chương trình học sinh đã học, không có câu hỏi mang tính đánh đố. Kiến thức trong đề thi phủ toàn bộ chương trình lịch sử lớp 9, kiểm tra đúng đơn vị kiến thức, kĩ năng cơ bản trong chương trình. Với đề thi này, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm bài tốt, phổ điểm sẽ ở mức 8 điểm.

Trước đó, sáng 12/6, thí sinh và phụ huynh phải đội mưa đến điểm thi môn Ngữ văn và tiếng Anh. Dù bất tiện đầu giờ sáng nhưng sau đó mưa tạnh, thời tiết mát mẻ, tạo thuận lợi cho thí sinh làm bài.

Sau khi hoàn tất 2 môn thi Ngữ văn và Ngoại ngữ, thí sinh rời khỏi điểm thi với tâm trạng phấn khởi và nhận xét đề thi vừa phải, phù hợp, không đánh đố học sinh. Với điều chỉnh của Hà Nội, thí sinh chỉ thi 1 buổi sáng và ra về ngay sau khi thi xong môn thi thứ 2.

Theo ghi nhận, đề thi, cách thức tổ chức thi được người dân đánh giá cao, phù hợp với tình hình chung trong công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm áp lực cho thí sinh. 

Nhiều phụ huynh và thí sinh đã bày tỏ sự ủng hộ phương án tổ chức thi của TP. Hà Nội, trong đó có việc tổ chức thi vào buổi sáng, giúp các thí sinh có thời gian chuẩn bị tốt về sức khỏe và điều kiện nghỉ ngơi.

Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Sẵn sàng đón hơn 93.000 thí sinh tham dự
Ngày 12/6, hơn 93.000 thí sinh trên địa bàn Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư