Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Kỳ tích “hạt vàng” Việt Nam
Hồ Hạ - 13/02/2021 09:21
 
Ngành lúa gạo Việt Nam đã làm nên những “kỳ tích” trong năm 2020 và đang nỗ lực nối dài trong năm 2021.

Gặt hái mùa vàng bội thu dẫu đối mặt với hạn mặn lịch sử, đảm bảo an ninh lương thực, tự tin chinh phục những thị trường khó tính nhất, xuất khẩu gạo tăng trưởng ngoạn mục bất chấp khủng hoảng do Covid-19…, ngành lúa gạo Việt Nam đã làm nên những “kỳ tích” trong năm 2020 và đang nỗ lực nối dài trong năm 2021.

Cú né hạn mặt lịch sử ngoạn mục

Trung tuần tháng 1/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Cần Thơ đã phối hợp tổ chức lễ xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên của năm 2021 với tổng khối lượng 1.600 tấn (xuất sang Singapore 450 tấn và xuất sang Malaysia 1.150 tấn). Lô hàng gồm 2 loại gạo Jasmine 85, giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài, giá 750 USD/tấn, do Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thực hiện.

Sự kiện “mở hàng” thuận lợi này hứa hẹn một năm thắng lợi của ngành lúa gạo, tiếp nối thành công vang dội của năm 2020, khi sản xuất lúa gạo vừa được mùa, vừa được giá. Năm 2020, sản lượng lúa của cả nước đạt 42,7 triệu tấn; tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu bình quân được nâng từ 440 USD/tấn (năm 2019) lên 496 USD/tấn. Xuất khẩu gạo nhiều thời điểm vượt Thái Lan và Ấn Độ, tiến đến “ngôi vương” thế giới về giá bán với 6,15 triệu tấn, trị giá hơn 3 tỷ USD. Ngành gạo không những làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn tự tin chinh phục những thị trường khó tính nhất.

Theo tôi, lực lượng đóng góp quan trọng nhất giúp ngành gạo phát triển đột phá trong những năm qua là doanh nghiệp trong nước. Bằng nỗ lực đổi mới công nghệ chế biến, công tác giống, những doanh nghiệp này đã góp phần đưa gạo Việt vươn xa. Câu chuyện gạo ST25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua hay gạo của Tập đoàn Tân Long chinh phục thị trường khó tính là những ví dụ điển hình.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Để có được những “trái ngọt” ấy, ngành sản xuất lúa gạo đã phải trải qua một năm thách thức chưa từng có. Trước khi “sóng thần” Covid-19 ập đến, Việt Nam đã phải ứng phó với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Miền Trung thì hạn nặng; ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn mặn đến sớm; còn ở phía Bắc, do nhuận 2 tháng Tư (Âm lịch), mùa đông ấm, nhưng mưa dầm dề, tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại. Tháng 9 và tháng 10/2020, bão chồng bão, lũ chồng lũ ở miền Trung... Nhưng, nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nông dân vẫn liên tiếp có được những vụ lúa thành công.

Để ứng phó với hạn mặn mùa khô 2019 - 2020, ngay từ tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp bàn phương án sản xuất thích ứng với thiên tai. Đầu tháng 10/2019, Bộ NN&PTNT tiếp tục tổ chức hội nghị bàn giải pháp sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh hạn mặn được dự báo khốc liệt hơn kỷ lục mùa khô 2015 - 2016. Sau khi khảo sát, Bộ NN&PTNT quyết định, 400.000 ha diện tích của 8 tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đẩy giống sớm.

“Chúng ta đã tạo cú né hạn mặn khốc liệt một cách ngoạn mục, có một vụ lúa đông xuân thắng lợi toàn diện, được mùa, được cả giá”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, điều đáng mừng hơn là, gạo Việt ngày càng được đón nhận, hoàn toàn tự tin chinh phục các thị trường mới.

Việt Nam sở hữu loại gạo ngon nhất thế giới

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nền tảng để tạo nên thành công của ngành lúa gạo là cả một quá trình nỗ lực tái cơ cấu sản xuất theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, thời gian qua, Nhà nước cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thủy lợi.

Đặc biệt, công tác nghiên cứu giống lúa của Việt Nam được đánh giá có những bước tiến ngoạn mục, nhờ tinh thần tự vươn lên, học hỏi quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có bộ giống lúa chất lượng tốt, có gạo hạt dài, có lúa thơm đặc sản…

Làm ra loại gạo có sự pha trộn mùi thơm lá dứa ở phía Nam và mùi thơm cốm của lúa tám ở phía Bắc - điều mà các nước trên thế giới chưa từng làm được, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí của kỹ sư Hồ Quang Cua đã góp phần khẳng định vị trí gạo Việt trên bản đồ gạo thế giới. ST24, ST25 có cùng hàm lượng amylose với gạo 5 lần ngon nhất thế giới - Khao Dawk Mali của Thái Lan, nhưng có độ bền gen cao hơn đến 15%. “Đó là cơ sở khoa học lý giải cho sự thành công của chúng ta, giúp Việt Nam gia nhập câu lạc bộ ngàn đô sau 3 thập kỷ lẹt đẹt ở mức 400 - 500 USD/tấn”, ông Hồ Quang Cua nhấn mạnh.

Ông Hồ Quang Cua cho biết, giống lúa ST24 và ST25 cũng là các giống lúa hàng đầu về chịu mặn, thích hợp sản xuất tại vùng đất Bạc Liêu, nhất là vùng đất trồng lúa - tôm của tỉnh này. “Hiện nhu cầu tiêu thụ lúa thơm rất cao, nên lúa ST24, ST25 tiêu thụ dễ dàng, tạo động lực cho các doanh nghiệp nỗ lực tham gia đầu tư liên kết với người sản xuất”, ông Hồ Quang Cua tự tin.

Một trong những yếu tố giúp chất lượng “hạt vàng” của Việt Nam không chỉ được cải thiện, mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ là nhờ nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác luôn được đổi mới cộng hưởng với bộ giống lúa tốt. Các giống gạo thơm ngắn ngày chất lượng cao vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, vừa giúp chúng ta chủ động trong bố trí mùa vụ ngay cả trong những điều kiện vô cùng khó khăn như hạn mặn, thiếu nước, bão lụt.

Quan trọng hơn, theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: “Người dân đã có nhận thức đầy đủ về kỹ thuật canh tác sao cho an toàn. Bộ NN&PTNT, các viện nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã và đang nỗ lực chuyển giao các gói kỹ thuật cho nông dân, như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiết kiệm nước, nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng, giá cả”.

Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt ngọc trời”

Phải khẳng định, không chỉ có bộ giống tốt, gạo Việt còn tự tin chinh phục đa dạng thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính nhất. Còn nhớ, cuối tháng 3/2020, khi Việt Nam chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo để đánh giá tình hình cung - cầu trong nước trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines đã lập tức điện đàm với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam xem xét lại việc xuất khẩu gạo khi Covid-19 đang lan rộng.

Bộ trưởng Tài chính Philippines cho rằng, Việt Nam là thị trường nhập khẩu gạo chính và vô cùng quan trọng của Philippines, vì vậy, chỉ cần một thay đổi nhỏ từ phía Việt Nam cũng sẽ khiến thị trường rối loạn. Ông đề nghị Việt Nam đưa Philippines ra khỏi danh sách tạm dừng xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Các nhà bán lẻ gạo Hồng Kông cũng gửi thông điệp đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo, bởi gạo Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn tại thị trường Hồng Kông...

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Việt Nam không phải “một mình một chợ” trong xuất khẩu gạo. Chúng ta đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia. Nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn, gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy, không được sự coi trọng của nhiều thị trường nhập khẩu như vậy”.

Những ngày đầu tháng 9/2020, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực được 1 tháng, gạo Việt lại liên tiếp đón tin vui khi có đến 9 loại gạo thơm được hưởng hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu sang EU (Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào).

Ông Nguyễn Như Cường phân tích, diện tích trồng lúa thơm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 1 triệu ha, sản lượng ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương 3,5 triệu tấn gạo thơm/năm. Trong khi đó, theo EVFTA, lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, vì vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

Vì vậy, theo ông Cường, nếu các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu được 30.000 tấn gạo thơm nói riêng và 80.000 tấn gạo nói chung theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá: “Việc được hưởng ưu đãi thuế quan sang EU đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho gạo Việt, sau những nỗ lực bền bỉ thực hiện quá trình tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng”.

Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực hơn nữa để hạt gạo Việt Nam, trở thành hạt “ngọc trời”, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ đó, đem lại giá trị cao hơn cho người sản xuất lúa gạo. Ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu đảm bảo phát triển ngành lúa gạo hiệu quả, bền vững, trong mọi hoàn cảnh, phải đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Đây là mục tiêu căn cốt, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Xuất khẩu gạo tháng 1/2021 đạt 154 triệu USD
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, tháng 1/2021 xuất khẩu gạo ước đạt 280 nghìn tấn, giá trị đạt 154...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư