Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Lãi suất giảm chưa tác động ngay tới giá địa ốc
Gia Huy - 27/07/2017 07:59
 
Việc một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm từ giữa tháng 7 là tín hiệu tốt cho người có nhu cầu thực về nhà ở, nhưng cũng đem đến thách thức cho thị trường bất động sản.

Tăng cơ hội cho người mua nhà

Các chuyên gia địa ốc nhận định, với việc giảm lãi suất này, thị trường bất động sản sẽ có nhiều bước đột phá ở những tháng cuối năm. Ông Lê Tiến Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Cát Tường Đức Hòa đánh giá rất cao động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Theo ông Vũ, giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản đang cạnh tranh khốc liệt. Giá vốn chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Nếu giảm được lãi suất cho vay, tức là giá vốn giảm, thì thị trường sẽ sôi động hơn, các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn.

.
.

“Việc giảm lãi suất có thể ví như chiếc phao cứu thị trường, giúp người dân dễ tiếp cận dòng vốn vay lãi suất thấp để mua nhà ở”, ông Vũ nói.

Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills Hà Nội cũng nhận định, động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ có những tác động tích cực, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, từ đó sẽ giúp hạ giá thành bất động sản, các nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí, đỡ áp lực lên việc tăng giá.

Liệu có đi vào “vết xe đổ”?

Lợi ích đã thấy rõ, tuy nhiên, việc giảm lãi suất từ phía ngân hàng cũng khiến nhiều ý kiến quan ngại rằng sẽ gây ra tình trạng giới đầu cơ đua nhau gom hàng và người có nhu cầu mua nhà ở thực chịu thiệt.

Các chuyên gia dẫn chứng, thời điểm năm 2007 - 2010, lãi suất vay khá thấp. Nhiều nhà đầu cơ thứ cấp đổ xô vay vốn ngân hàng đầu tư vào bất động sản. Khi đó, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 37,7% thì tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán) tăng gần 42% và chiếm 19% tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ của hệ thống. Năm 2010, tín dụng tăng trưởng 27,6% thì dư nợ cho vay riêng bất động sản đã tăng trưởng đến 23,5%.

Rút kinh nghiệm từ việc doanh nghiệp vay tiền kinh doanh, nhưng thực chất là mang tiền đi đầu tư bất động sản, nên các ngân hàng cũng rất cảnh giác với những gói vay ngắn hạn.

Hậu quả khiến thị trường địa ốc tăng trưởng nóng, nhu cầu ảo nhiều, gây ra tình trạng bong bóng bất động sản, mà đỉnh điểm của đợt đổ vỡ là hồi năm 2010, gây ra nợ xấu ngân hàng đến nay chưa giải quyết được.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Chính phủ đã phải rất vất vả giải quyết hậu quả của vụ đổ vỡ thị trường bất động sản năm 2010, bằng việc ban hành Nghị quyết 11/2011/NQ-CP nhằm thắt chặt tiền tệ và coi bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất. “Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại đã trả cái giá quá đắt, đó là hàng loạt khoản nợ xấu tới nay vẫn chưa thể thu hồi. Trong khi đó, những dự án vắng bóng người vẫn còn khá nhiều ở TP.HCM và Hà Nội”, ông Châu nói.

Chia sẻ mối lo này của ông Châu, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cho rằng, thời điểm này, nguy cơ “vết xe đổ” chưa nhiều. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Việt Gia Phú, lãi suất cho vay giảm sẽ không tác động ngay đến giá thành bất động sản trên thị trường, bởi nó chiếm tỷ trọng không quá lớn.

Ông Tuấn phân tích, giá thành sản phẩm bất động sản phụ thuộc vào thời điểm triển khai dự án, thời điểm ra hàng, nhất là thời điểm mở bán. Căn cứ vào các tín hiệu thị trường như đối thủ cạnh tranh, hạ tầng khu vực mà chủ đầu tư đưa ra các mức chiết khấu, cơ cấu giá bán khác nhau. Nếu thị trường tốt, giá có thể tăng 3 - 4%, nếu thị trường xấu thì giá có thể giảm 5-10%. Như vậy, con số lãi suất vay giảm 0,5% không phải là quá lớn và không tác động nhiều đến giá thành và giá bán sản phẩm trên thị trường so với các yếu tố kia.

Ngoài ra, giới quan sát thị trường bất động sản cũng cho rằng, đợt hạ lãi suất lần này không mang nhiều ý nghĩa, bởi nó chỉ là khoản vay ngắn hạn, trong khi đa số doanh nghiệp bất động sản vay trung, dài hạn, lãi suất vẫn rất cao.

“Thực tế, việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp bất động sản không dễ. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ việc doanh nghiệp vay tiền kinh doanh, nhưng thực chất là mang tiền đi đầu tư bất động sản như đã từng diễn ra hồi năm 2007 - 2010, nên các ngân hàng cũng rất cảnh giác với những gói vay ngắn hạn từ doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết thêm.

Chuyên gia nói gì về hợp đồng ký quỹ bất động sản?
Nhận định về hình thức hợp đồng ký quỹ bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư