Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Lãi suất huy động USD: Duy trì hay nâng ngưỡng 0%
Vân Linh - 23/12/2016 08:26
 
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất và sẽ tiếp tục tăng trong 2017. Câu hỏi đặt ra hiện nay là, chính sách trần lãi suất USD của Việt Nam có nên thay đổi hay vẫn duy trì ngưỡng 0%?
Lãi suất ở mức 0% khiến các ngân hàng khó huy động USD. Ảnh: đức thanh
Lãi suất ở mức 0% khiến các ngân hàng khó huy động USD. Ảnh: Đức Thanh

Để ổn định thị trường ngoại hối và kiểm soát tỷ giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa lãi suất huy động về mức thấp nhất - 0%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Qua đó, thị trường ngoại tệ bớt được tình trạng đầu cơ, găm giữ USD.

Từ quý IV/2015 đến nay, chính sách áp dụng trần lãi suất huy động USD ở mức 0% đã giúp thị trường ngoại hối ổn định, bởi những người nắm giữ ngoại tệ sẽ phải cân nhắc giữa bài toán có nên tiếp tục nắm USD với lãi suất 0%, hay chuyển sang tiền đồng để được hưởng mức lãi 6-7%/năm cho từng kỳ hạn khác nhau.

Trên thực tế, huy động tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ đã giảm đáng kể trong thời gian qua, kể từ khi áp trần lãi suất 0%. Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn Thành phố đến đầu tháng 11/2016 đạt hơn 1.739 ngàn tỷ đồng, giảm 0,36% so với tháng trước đó (chỉ số này của tháng 10/2016 là + 2,27%). Trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chỉ chiếm 12,03%, giảm 9,15% so với tháng cùng kỳ. Riêng vốn huy động VND vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu và ngày càng lớn trong tổng nguồn vốn ở mức 87,97%, tăng 21,55% so với tháng cùng kỳ.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng ngoại tệ lại có dấu hiệu tăng, bởi theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 28/11, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 14,57%, trong đó, tín dụng bằng VND tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%. Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, dư nợ tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tính đến đầu tháng 11/2016 giảm 2,31% so cùng kỳ. Điều này cho thấy, cung - cầu về ngoại tệ huy động và cho vay ra đang có phần chệch hướng.

Đáng chú ý là, trước động thái tăng lãi suất cơ bản của Fed thêm 0,25% vừa qua và cơ quan này cho biết, sẽ nâng tiếp lãi suất USD trong năm 2017, có ý kiến cho rằng, cần xem xét điều chỉnh nâng lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ. Lý do là hiện nay, ngoài áp lực tăng lãi suất của Fed, NHNN đã mở lại tín dụng ngoại tệ, nên cần thiết tăng cường huy động USD để cho vay.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, nên xem xét tăng nhẹ lãi suất huy động USD của khách hàng cá nhân để huy động dòng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân, nhằm tăng thêm nguồn vốn bằng ngoại tệ phục vụ những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, đặc biệt là xuất - nhập khẩu.

Những ngày qua, giá USD có tăng, nhưng nhu cầu ngoại tệ vẫn bình thường và NHNN chưa phải sử dụng đến dự trữ ngoại tệ để can thiệp thị trường. Song theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới phụ thuộc lớn vào việc USD tăng giá tiếp hay không, biến động của USD và các loại ngoại tệ mạnh khác và nội tại của nền kinh tế Việt Nam từ xuất siêu, kiều hối.

Sau khi lên mức cao nhất trong vòng 14 năm sau cuộc họp tăng lãi suất của Fed giữa tháng 12/2016, giá trị USD tăng mạnh. Các nhà phân tích cho rằng, đồng bạc xanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá trong trung và dài hạn. Kỳ vọng các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích lạm phát tại Mỹ, qua đó khiến Fed tăng lãi suất nhanh hơn trong tương lai. Đây sẽ là nhân tố hỗ trợ mạnh mẽ USD trong thời gian tới. Chính điều này đã phần nào tác động khiến luống kiều hối về Việt Nam có chiều hướng chững lại trong những tháng cuối năm.

TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, NHNN có thể nâng trần lãi suất huy động USD lên khoảng 0,5 - 1%, thay vì 0% hiện nay. Khi khoảng cách giữa lãi suất USD trong và ngoài nước được rút ngắn sẽ giúp các ngân hàng không còn động cơ để lách trần lãi suất huy động USD như từng xảy ra trong thời gian qua. Khách hàng sẽ quay lại gửi USD tại ngân hàng với kỳ hạn dài hơn, từ đó giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro kỳ hạn giữa huy động và cho vay USD và rủi ro thanh khoản.

Tổng giám đốc một ngân hàng cũng cho rằng, nhu cầu vay USD của doanh nghiệp là rất lớn, trong khi nguồn cung từ dân cư lại hạn chế do lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%. Vì vậy, theo vị tổng giám đốc này, cần có chính sách hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng từ kênh kiều hối, nên nhích lãi suất huy động USD lên mức 0,5%/năm, nhất là trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ đã được mở lại.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng nhận định, trong bối cảnh Fed tăng lãi suất và chưa dừng lại trong năm 2017, thì việc cân nhắc điều chỉnh trần lãi suất huy động USD trong nước cần được tính đến, nhất là khi tỷ giá đang có áp lực. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động USD phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi thời gian qua, trần lãi suất huy động USD áp 0%/năm khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dưới dạng không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Ngược lại, chính việc đưa lãi suất huy động ngoại tệ về 0% đã giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, găm ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối.

Không có dòng tiền nóng đổ vào ngoại tệ
Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, không có hiện tượng doanh nghiệp tăng mua USD bất thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn đều đặn bán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư