Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Lãi suất tăng, doanh nghiệp sản xuất đứng ngồi không yên
Việt Dũng - 07/10/2022 10:19
 
Việc lãi suất huy động được một số ngân hàng đẩy lên cao khiến các doanh nghiệp không khỏi lo ngại lãi suất cho vay cũng tăng theo.
Các doanh nghiệp rất lo lắng khi lãi suất ngân hàng nhiều khả năng sẽ tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất 	ảnh: đức thanh
Các doanh nghiệp rất lo lắng khi lãi suất ngân hàng nhiều khả năng sẽ tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất ảnh: đức thanh

Lo lắng

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã công bố tăng lãi suất huy động. Động thái này của nhà băng đã khiến cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chiều cho vay của ngân hàng.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vinamit thông tin, lãi suất cho vay tăng là một trong những vấn đề khiến lãnh đạo các doanh nghiệp đau đầu. Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên, nên các doanh nghiệp đang được vay với lãi suất chỉ 5-6%/năm. So với đầu năm 2022, mức lãi suất này tăng thêm 0,5%. Trước động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông dự đoán lãi suất cho vay sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

“Khoảng 30-50% vốn hoạt động của doanh nghiệp là từ ngân hàng. Các doanh nghiệp vừa trải qua đợt dịch Covid-19, chưa kịp phục hồi, mà nay phải đối diện với biến động tài chính thì càng thêm khó khăn”, ông Viên lo ngại.

Tương tự, ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam cũng cho hay, nhiều ngân hàng lấy lý do hết hạn mức tín dụng nên không cho vay. Một số doanh nghiệp được duyệt vay với lãi suất cao hơn bình thường, dao động từ 8,5% đến 10%/năm. Hiện các doanh nghiệp đang lo lắng vì thời gian tới, lãi suất cho vay có thể còn tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát (Khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, công ty ông đang phục hồi sản xuất mạnh. Nhu cầu về bao bì giấy trên thị trường đang gia tăng trở lại, doanh nghiệp tăng tốc nhập hàng để cung ứng cho các đối tác.

“Tuy nhiên, sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc phục hồi vẫn chưa được như trạng thái ban đầu, do đó nguồn tài chính vẫn khó khăn. Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến các doanh nghiệp lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, như vậy cũng tác động đến nguồn tiền của doanh nghiệp, trong đó có cả những khoản vay cũ”, ông Minh phân tích.

Cần nới “room” và giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất

Ghi nhận thực tế cho thấy, lãi suất vốn vay ngân hàng luôn là một trong những yếu tố trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm, dịch vụ và cũng trực tiếp kéo giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Nỗi lo của doanh nghiệp càng lớn hơn khi suốt từ cuối năm 2015 đến nay, các cuộc chạy đua lãi suất huy động vẫn ngầm diễn ra giữa các tổ chức tín dụng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đây chính là tiền đề để tạo ra lãi suất bình quân trên 13 tháng tăng. Bởi khi các doanh nghiệp vay đầu tư vào các tài sản cố định, đổi mới trang thiết bị hoàn toàn phải sử dụng vốn vay trung và dài hạn. Các ngân hàng sẽ sử dụng lãi suất tiết kiệm trung bình 13 tháng cộng với biên độ, khi lãi suất huy động tăng lên thì nhiều khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng lên.

Làm thế nào để ngân hàng không tăng lãi suất cho vay khi lãi suất điều hành tăng và lãi suất huy động tăng là câu hỏi được các doanh nghiệp đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), việc các ngân hàng không tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao là điều rất khó. Giải pháp duy nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ 2% lãi suất và đảm bảo cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay, bởi hiện nay rất ít doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ 2% lãi suất do điều kiện vay rất khó khăn.

“Ngân hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính có lãi trong 2-3 năm liền, nhưng sau đợt dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp không có lãi. Các ngân hàng còn yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh có thể trả được nợ, nhưng trong bối cảnh thị trường còn trầm lắng, bấp bênh, doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện này”, ông Hưng nói.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng đề xuất, lúc này cần cởi bỏ hạn mức tín dụng để cởi trói cho nền kinh tế. Hiện thặng dư thương mại đang tăng, thặng dư tài khoản vãng lai cũng bắt đầu có sau thời gian thâm hụt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự trữ ngoại hối tăng lên đáng kể, kiểm soát tỷ giá hối đoái tốt. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp thị trường phục hồi. Khi đó, áp lực lạm phát có thể gia tăng, nhưng Chỉ số Giá tiêu dùng bình quân vẫn hợp lý.

Thanh khoản liên ngân hàng dồi dào, lãi suất qua đêm rơi sâu
Cập nhật số liệu mới nhất đến 28/5, lãi suất qua đêm chỉ ở mức 0,28%/năm. Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng cũng đồng loạt giảm, đặc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư