Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Room ngoại tại các ngân hàng: Đợi người cùng chí hướng
Vân Linh - 02/10/2018 19:02
 
Tài chính - ngân hàng Việt luôn là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi cổ phiếu “vua” tăng mạnh sau thời gian dài giảm giá. Tuy nhiên, tỷ lệ room ngoại còn lại tại ngân hàng không nhiều.

Nhà băng lớn cạn room

Sau khi nhóm Alp Asia Finance Limited (nhận chuyển nhượng lại từ Standard Chartered Bank) trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn ACB, room ngoại tại nhà băng này hiện đạt mức tối đa 30%, khối ngoại chỉ có thể gia tăng sở hữu thông qua các giao dịch nội khối. Vì vậy, trong đợt tăng vốn điều lệ từ hơn 11.259 tỷ đồng lên 12.886 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối mới đây của ACB, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu ACB giữ “room” ngoại không vượt 30% khi tăng vốn. 

.

Trong suốt thời gian dài kể từ khi ngành ngân hàng Việt Nam bước vào giai đoạn tái cơ cấu, cổ phiếu vua không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, HDBank, VPBank, Techcombank đã chào bán cổ phần thành công cho các tổ chức quốc tế, thu về hàng trăm triệu USD, thậm chí khối lượng đặt mua gấp nhiều lần lượng chào bán.

Cụ thể, HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại, thu về 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) trước khi niêm yết đầu năm nay. Đồng thời, việc nhận sáp nhập PGBank cũng giúp room ngoại đang được lấp kín tại HDBank trống ra khoảng 900 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 7%. Điều này sẽ tiếp tục làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu HDBank.

Sau khi chia tay HSBC Việt Nam, Techcombank lấp kín room ngoại khi bán cổ phần cho Warburg Pincus, thu về 370 triệu USD trước niêm yết trên sàn HoSE. Tương tự, VIB chốt room ngoại chỉ 20,5%, vì đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Commonwealth Bank of Australia nắm giữ 20%. Với mức room ngoại bị giới hạn, cơ hội các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của VIB khá thấp. 

Hiện không ít ngân hàng Việt Nam đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, song cũng không ít ngân hàng còn nguyên room, một phần do vừa chia tay với cổ đông ngoại. Tuy nhiên, với tỷ lệ cổ phần theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP (không vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tối đa 30% cho các nhà đầu tư nước ngoài), nhà đầu tư không thể chi phối được các quyết định lớn. Đây là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư ngoại và kể cả ngân hàng trong nước muốn được nới thêm room để có cơ hội hơn.

Cơ hội còn nhiều

Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, Ngân hàng đã lên kế hoạch gọi thêm vốn ngoại, với tỷ lệ trên 50% và đã được chấp thuận về chủ trương. Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia SCB, song để tìm được nhà đầu tư cùng chiến lược kinh doanh, chung mục tiêu đẩy mạnh ngân hàng phát triển, SCB cần có thời gian tìm hiểu trước khi quyết định.

Tăng vốn được xem là việc cấp bách của Vietcombank, nên khả năng sẽ sớm hoàn tất kế hoạch bán 10% vốn cho nhà đầu tư ngoại.

LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 25%. Tức là LienVietPost Bank sẽ dành 25% đó để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh, có sự gắn bó và đồng hành lâu dài với sự phát triển lâu dài. 

Room dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại OCB còn 23,66% và sẽ hút vốn ngoại trước khi niêm yết trên sàn HoSE dự kiến cuối năm nay. Trước đó, đầu năm 2018, cổ đông ngoại BNP Paribas thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây. Đây là thông tin khá bất ngờ với thị trường và sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại mới. 

NHNN đã chấp thuận cho Vietcombank tăng vốn điều lệ lên trên 39.575 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 10% đã được thông qua trước đó. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, việc tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược thời gian qua gặp khó vì giá bán được yêu cầu không thấp hơn định giá và giá thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư khi mua lô lớn phải hạn chế chuyển nhượng một năm. Tuy nhiên, tăng vốn được xem là việc cấp bách đối với Vietcombank,  nên khả năng sẽ sớm hoàn tất kế hoạch bán 10% vốn cho nhà đầu tư ngoại.

Vốn ngoại “khoái” ngân hàng Việt
Trước sức nóng của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua, cùng triển vọng được dự báo tích cực, không ít nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư