Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất tiết kiệm chỉ giảm ở một số kỳ hạn dài
T.V - 25/08/2024 17:24
 
Trái ngược với xu hướng tăng lãi suất tiền gửi, gần đây một số ngân hàng "lội ngược dòng" khi giảm lãi suất huy động, song chỉ cắt giảm ở một số kỳ hạn dài, tăng kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, OCB vừa công bố biểu lãi suất huy động mới nhất, theo hướng giảm ở một số kỳ hạn 24 - 36 tháng, với mức giảm 0,2%/năm. Trong đó, mức 6%/năm được OCB duy trì suốt hai tháng qua đối với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng nay giảm về 5,8%/năm.

ABBank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ mức cao nhất thị trường 6,2%/năm xuống 6%/năm kể từ ngày 1/8. Bac A Bank giảm từ 0,1% - 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng. Trong đó, đáng chú ý, mức lãi suất huy động kỳ hạn 18 - 36 tháng áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên giảm từ 6,05% xuống còn 5,95%/năm.

Như vậy, bên cạnh việc có không dưới chục ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 8 đến nay, có một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động là Bac A Bank, SeABank, ABBank và OCB. Điểm chung của cả 4 ngân hàng này là đều đã từng niêm yết lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài ở mức dẫn đầu thị trường, từ 6 - 6,2%/năm.

Lãi suất tiết kiệm chỉ giảm ở một số kỳ hạn dài. 

Tuy nhiên, đối với các kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày các ngân hàng tiếp tục đà tăng, nhằm huy động vốn chuẩn bị nguồn, đón đầu cầu tín dụng tăng trưởng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Cụ thể, trong tháng 8/2024 thị trường ghi nhận có 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: Eximbank, ACB, Agribank, Sacombank, Saigonbank, VietBank, TPBank, CBBank, VIB, Dong A Bank, VPBank, Techcombank, SHB, VietBank, PVCombank, Nam A Bank. 

Hiện thị trường ghi nhận 9 ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm trên 6%/năm. NCB và ngân hàng OceanBank niêm yết cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 18-36 tháng hiện ở mức 6,1%/năm. Cake by VPBank cũng niêm yết 6,1% khi khách hàng gửi tiền từ 24-36 tháng. Ngân hàng Bac A Bank, SHB và Saigonbank áp dụng mức lãi suất này ở kỳ hạn 36 tháng. HDBank niêm yết mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.

Còn ở kỳ hạn 12 tháng, ABBank và SeABank niêm yết mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm. Trước đó, 2 ngân hàng này từng công bố mức lãi suất cao nhất lên đến 6,2%/năm, nhưng cả hai đều điều chỉnh giảm kể từ đầu tháng 8/2024. Cake by VPBank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng ở mức 6%/năm khi khách hàng nhận lãi cuối kỳ.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về diễn biến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng tháng 7/2024, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4-3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Giới phân tích tài chính nhận định, lạm phát đã tăng lên trong những tháng gần đây và hướng tới mức trần mục tiêu của NHNN cũng tác động lên lãi suất. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tỷ lệ lạm phát trong 2 năm qua là chi phí thực phẩm, nhà ở, giáo dục và y tế tăng cao. Điều này rất quan trọng cần theo dõi vì mức tăng giá thực tế của những mặt hàng này mà người tiêu dùng phải đối mặt có thể nhanh hơn và lớn hơn mức được biểu thị bằng CPI. Với việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7, áp lực tăng lương sẽ còn lớn hơn nữa.

Để giải quyết vấn đề lạm phát, các nhà phân tích của UOB cho rằng, điều quan trọng là chính phủ phải tăng chi tiêu để giúp tăng nguồn cung ở những khu vực như thực phẩm, giáo dục, y tế… trong thời gian dài, chẳng hạn như bằng cách nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong ngắn hạn, tăng nguồn cung, ví dụ: đối với thực phẩm, bằng cách cho phép nhập khẩu nhiều hơn từ nhiều quốc gia sẽ là một giải pháp khác.

Thực tế từ đầu quý II/2024, thị trường nhận thấy mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng; và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0.5% đến 1% cho các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng tăng. Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ Cơ quan quản lý như lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn. Tuy nhiên, hai mức lãi suất điều hành chính thức là lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25% đến 0,75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024. Các nhà phân tích cho rằng, đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024. 

Số liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng tháng cuối tháng 7/2024 chỉ tăng 5,66% so với cuối năm 2023, trong khi đến cuối tháng 6/2024 tăng 6%. Một trong những mục tiêu trọng tâm của NHNN trong tháng cuối năm là tập trung vốn hướng vào các lĩnh vực là động lực phát triển bao gồm xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng. Vì thế, các ngân hàng tăng cường huy động vốn đáp ứng cầu tín dụng cuối năm.

Các ngân hàng chưa sớm tăng lãi suất cho vay
Dù lãi suất huy động có xu hướng tăng, nhưng để kích cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng chưa sớm tăng lãi suất cho vay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư