Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Làm gì để hút khách cao cấp ở lâu, tiêu nhiều? - Bài 1: Thừa Thiên Huế tiếp cận khách du lịch cao cấp
Hồ Hạ - 27/09/2024 18:55
 
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, khác biệt, nhằm định vị phân khúc cao cấp, để Huế phát triển ngang tầm các thành phố di sản, Festival lớn của thế giới như Avignon (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha), Venice (Italia)…
Cùng với du lịch di sản, thiên nhiên, lịch sử văn hóa, những sản phẩm cao cấp như golf tour (du lịch kết hợp với chơi golf), hay MICE tour (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo)… được xem là “thỏi nam châm” giúp 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam thu hút khách du lịch cao cấp đến ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn.

Định vị phân khúc cao cấp mang bản sắc riêng

Thừa Thiên Huế đang trong những ngày thu dịu ngọt. Tiết trời dịu dàng thật lý tưởng để tận hưởng vẻ đẹp nên thơ và khám phá “kho báu” tài nguyên du lịch đồ sộ của miền đất cố đô, vừa chất chứa bề dày văn hiến, vừa thấm đẫm hơi thở thời đại với những sản phẩm du lịch cao cấp, tinh tế.

Sân golf Golden Sands Golf Resort được kỳ vọng sẽ mang lại cho Thừa Thiên Huế nhiều du khách đẳng cấp
Sân golf Golden Sands Golf Resort được kỳ vọng sẽ mang lại cho Thừa Thiên Huế nhiều du khách đẳng cấp

Những năm qua, vượt qua khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh và thiên tai, hạ tầng du lịch được tỉnh đầu tư mạnh mẽ, nhất là nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế, đưa Huế thành điểm du lịch văn hóa lớn nhất Việt Nam. Cùng những nét hoang sơ, quyến rũ của cảnh đẹp thiên nhiên, Thừa Thiên Huế còn sở hữu 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Tỉnh đang nỗ lực thu hút du khách cao cấp với những sản phẩm có “chất riêng”.

Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; xứng tầm là trung tâm du lịch chất lượng cao, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Bởi thế, bên cạnh phát triển thương hiệu Festival Huế, du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế; các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp, trong đó có golf tour (du lịch kết hợp với chơi golf) hay MICE tour (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội họp, triển lãm)… đang được tỉnh đẩy mạnh. Từ đó, hấp dẫn dòng du khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày và định vị phân khúc du lịch cao cấp mang bản sắc riêng, độc đáo.

Đẩy mạnh khai thác “mỏ vàng” golf tour

Một trong những “trái ngọt” của nỗ lực thu hút nhà đầu tư vào sản phẩm du lịch cao cấp của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế phải kể đến sân golf Golden Sands Golf Resort (Vinh Thanh, Phú Vang, Huế) sẽ chính thức khai trương và chào đón những người yêu môn thể thao này vào ngày 28/9.

Để thu hút dòng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, Thừa Thiên Huế cần sớm nâng cấp sân bay Phú Bài; xúc tiến, thu hút các hãng hàng không trong nước và quốc tế nâng tần xuất các chuyến bay và mở đường bay mới.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mark Reeves, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Sự xuất hiện của sân golf Golden Sands Golf Resort sẽ mang lại cho Thừa Thiên Huế nói riêng, miền duyên hải Trung Bộ nói chung một điểm đến chơi golf đẳng cấp quốc tế mới, thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các khách du lịch golf cao cấp, có mức chi tiêu cao hơn so với khách du lịch thông thường. Đồng thời, với sản phẩm du lịch cao cấp mới này, du khách đến với Thừa Thiên Huế có thể kéo dài thời gian lưu trú lâu hơn để trải nghiệm những đặc sản văn hóa, con người, ẩm thực của một điểm đến được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới”.

Ông Mark Reeves bật mí, nhà thiết kế sân golf số 1 thế giới Nicklaus Design, do huyền thoại golf thế giới Gấu Vàng Jack Nicklaus sáng lập, đã kiến tạo Golden Sands Golf Resort trở thành một “Thử thách chơi golf khó nhất Việt Nam”, với độ khó được tính toán đạt hơn 10 gậy so với bất cứ sân golf hiện đại nào tại Việt Nam.

Không chỉ góp phần định vị Thừa Thiên Huế là điểm đến chơi golf hàng đầu Việt Nam và khu vực, sự hiện diện của sân golf Golden Sands Golf Resort còn góp phần thúc đẩy du lịch golf tại Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh cho cộng đồng cư dân địa phương, từ đó giúp nâng cao nguồn thu cho ngân sách địa phương và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội mới của khu vực này.

Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, việc Thừa Thiên Huế có thêm sân golf mới sẽ góp phần tăng trải nghiệm cho du khách cao cấp đến Huế trong thời gian tới, nhất là năm 2025, tỉnh đăng cai Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025. “Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp như golf tour là hướng đi đúng và trúng, bởi trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Đây cũng là con đường để ngành du lịch Thừa Thiên Huế nâng tầm chất lượng dịch vụ, thăng hạng cạnh tranh thu hút dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày. Bởi, khảo sát của Sports Marketing Survey cho thấy, sức mua của khách golf tour gấp từ 6 đến 8 lần so với các loại hình du lịch thuần túy. Đặc biệt, dư địa phát triển golf tour còn rất lớn, với khoảng 1,9 triệu golfer thường xuyên chơi golf. Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO) hiện có 61 quốc gia thành viên, với khoảng 638 công ty du lịch golf, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu, tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hàng năm.

Du lịch golf được xếp thứ 3 về động cơ du lịch. Doanh thu hiện đạt hơn 1 tỷ USD và dự kiến đạt 3 tỷ USD vào năm 2030. Với thị trường nội địa, đã có hơn 50.000 người Việt và 20.000 người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam chơi golf. Dự kiến đến năm 2025, tổng số golfer sẽ tăng lên khoảng 300.000 người.

Đặc biệt, sau thời gian dài chuyển mình mạnh mẽ, du lịch golf Việt Nam đã khẳng định được vị thế chuyên nghiệp và đẳng cấp với 4 năm liền được vinh danh là “Điểm đến golf tốt nhất thế giới” (2019, 2021, 2022, 2023) và 7 năm liên tục là “Điểm đến golf tốt nhất châu Á” kể từ năm 2017 đến nay.

Cải thiện điểm nghẽn hàng không

Cùng với golf tour, những MICE tour thường được tổ chức rất hoành tráng, chi phí mỗi du khách bỏ ra thường gấp 3 - 5 lần so với các sản phẩm khác. Nếu khai thác tốt, hai loại hình này sẽ giúp tăng nguồn thu và giảm đi gánh nặng tăng lượng khách cho du lịch Thừa Thiên Huế.

Tiềm năng, lợi thế là vậy, nhưng du lịch golf và MICE hiện vẫn chưa tạo được “bước nhảy” cho ngành kinh tế xanh của Thừa Thiên Huế. Bởi lẽ, tần suất các chuyến bay đến và đi từ Cảng hàng không Phú Bài khá thưa thớt, chưa đa dạng dường bay, khiến du khách và các hãng lữ hành khó sắp xếp lịch trình tour để tận dụng tối đa thời gian khám phá “xứ sở mộng mơ”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô (Captour Club) chia sẻ: “Công ty tôi từng tổ chức tour MICE cho một vài đoàn khách Hà Nội tại Huế và Lăng Cô, nhưng qua thời gian khai thác, khách MICE ít chọn Huế. Chúng tôi từng có những đoàn 500 khách ban đầu chọn Huế là địa điểm tổ chức tour MICE, nhưng do đường bay ít, những khung giờ thậm chí ‘oái oăm’ cho khách, họ không tận dụng được tối đa quỹ thời gian và thiếu cơ sở vật chất, dịch vụ cao cấp hỗ trợ, nên đoàn khách đã chuyển địa điểm sang Đà Nẵng”.

Ngay cả Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, ông Đinh Mạnh Thắng cũng từng nhiều lần cho rằng, máy bay chiều Huế đi Hà Nội và ngược lại ít chuyến, lại vào những khung giờ “làm khó” du khách. Trong khi đó, ở sân bay Đà Nẵng, chiều đi và đến từ Hà Nội đều rất dễ dàng, hầu như lúc nào cũng có chuyến bay.

“Tour MICE thường tổ chức vào những ngày cuối tuần để kết hợp với nghỉ ngơi. Ngày thứ 6 tổ chức thì tối thứ 5 khách đến, kết thúc thứ 7 hoặc Chủ nhật họ quay trở về. Nhiều người đi MICE cùng với gia đình, trong lúc chồng hoặc vợ bận tham dự hội họp, thì các thành viên khác đi shopping, tắm biển, giải trí, spa... Khoản tiền mà khách mang đến khi tham gia MICE để chi tiêu rất lớn. Tuy nhiên, Huế còn thiếu các khu vui chơi, giải trí, mua sắm quy mô lớn, nên dù khách muốn tiêu tiền cũng không có chỗ để mà tiêu”, ông Thắng nói.

Để thu hút dòng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, Thừa Thiên Huế cần nhanh chóng nâng cấp sân bay Phú Bài, ưu tiên xúc tiến, thu hút các hãng hàng không trong nước và quốc tế nâng tần xuất các chuyến bay và mở đường bay mới. Muốn phát triển một cách bền vững thị trường khách du lịch quốc tế thì phải làm đồng bộ rất nhiều lĩnh vực như xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao kỹ năng của những người làm dịch vụ, đồng thời tăng cường xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, cần có chiến lược đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân sự du lịch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, để tăng trải nghiệm cho du khách golf, Sở khuyến khích các địa phương gần khu vực các sân golf khai thác các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nghề truyền thống, tham quan các điểm di tích kết hợp du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, truyền thông về du lịch golf; phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cùng một số đơn vị quản lý sân golf ở 3 địa phương và hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức một số giải golf liên kết, sử dụng sân golf của 3 địa phương cùng khu nghỉ dưỡng của bên sân golf với combo ưu đãi dịch vụ vé máy bay - nghỉ dưỡng - sân golf, để khách bay đến một trong 2 sân bay ở Huế và Đà Nẵng, kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm và mua sắm ở miền Trung.

Cùng với golf tour, để hấp dẫn dòng khách hạng sang, giới siêu giàu khu vực và thế giới, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, ngành du lịch đang tiếp tục mời gọi đầu tư về hạ tầng, dịch vụ để tiếp cận và thu hút khách, đồng thời có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch đưa các dòng khách hạng sang đến Huế. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng kết nối, làm việc với các hãng tàu biển lớn để đưa khách hạng sang đến với Huế nhiều hơn.

(Còn tiếp)

GIẢI GOLF TỪ THIỆN THƯỜNG NIÊN VÌ TRẺ EM VIỆT NAM LẦN THỨ 17 - SWING FOR THE KIDS 2024
Swing for the Kids là Giải Golf từ thiện thường niên Vì trẻ em Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm mục đích hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trên cả nước, giúp các em hiện thực hóa giấc mơ được đến trường.
Kể từ năm 2007, Giải Golf Swing for the Kids đã trở thành một trong những sự kiện thể thao - xã hội nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các golfer, là nơi giao lưu, gặp gỡ của các chính khách, những nhà ngoại giao và các doanh nhân trên toàn quốc.
Với ý nghĩa cao đẹp vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và sự nghiệp khuyến học khuyến tài, Swing for the Kids đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà hảo tâm, các chính khách, các doanh nhân trong và ngoài nước. Trong 16 năm qua, Ban tổ chức đã huy động được số tiền hơn 22 tỷ đồng để trao tận tay hơn 21.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi và hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các cơ sở học tập tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Năm nay, Giải Golf từ thiện thường niên Vì trẻ em Việt Nam lần thứ 17 - Swing for the Kids 2024 với sự phối hợp của Tập đoàn BRG và Ngân hàng SeABank sẽ được tổ chức vào ngày 12/10/2024 tại sân gôn Kings’ Island, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Phí tham dự giải là 3.500.000 đồng/ gôn thủ. Toàn bộ số tiền sẽ được sử dụng để ủng hộ từ thiện. Ngoài số tiền này, người chơi không phải nộp thêm bất cứ khoản phí nào khác.
Tập đoàn BRG ưu tiên thúc đẩy du lịch cao cấp
Năm 2022 đánh dấu những tín hiệu khởi sắc của ngành du lịch với hàng loạt những sự kiện và chương trình quảng bá đặc sắc, thu hút hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư