Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Lạm phát năm 2019 là 2,79%, thấp nhất trong 3 năm
Hà Nguyễn - 27/12/2019 14:57
 
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng 1,4% so với tháng trước, nhưng bình quân, mức tăng CPI cả năm chỉ là 2,79%. Lạm phát của Việt Nam đã thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
.

Nguyên nhân đẩy CPI tăng cao là do giá thịt lợn tăng mạnh

Số liệu được Tổng cục Thống kê chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 đã tăng tới 1,4% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của các tháng 12 trong vòng 9 năm qua.

Nguyên nhân đẩy CPI tăng cao như vậy chủ yếu là do sự tăng giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng tới 3,42%. Và lý do khiến nhóm hàng này tăng cao, chính là do giá thịt lợn tăng mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, do dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn đã giảm mạnh, khiến giá thịt lợn tháng 12/2019 tăng 19,7% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,83%.

Giá thực phẩm tăng cũng đã làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,44% so với tháng trước, khiến CPI chung tăng khoảng 0,22%.

Ngoài ra, việc giá xăng, dầu điều chỉnh tăng ngày 30/11/2019 và giảm vào ngày 16/12/2019, bình quân tháng 12/2019 giá xăng dầu tăng 1,27% so với tháng trước, cũng làm CPI chung tăng khoảng 0,05%.

Tuy CPI tháng 12 tăng cao, song tính bình quân cả năm, CPI chỉ tăng 2,79%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Và điều đó có nghĩa, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục có một năm thành công khi ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn dưới cả mục tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 4%).

Như vậy là đã 3 năm liên tiếp, Việt Nam kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Năm 2017, lạm phát là 3,53%, năm 2018 là 3,54%, còn năm nay, là 2,79%.

Đánh giá về diễn biến giá cả thị trường năm 2019, Tổng cục Thống kê cho biết, có hai yếu tố ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát CPI cả năm.

Thứ nhất là điều hành của Chính phủ, liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí.

Thứ hai là yếu tố thị trường. Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Thống kê cho biết, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tăng cao vào hai tháng đầu năm và các tháng cuối năm 2019, làm tăng giá một số mặt hàng tiêu dùng thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ du lịch… 

Bình quân năm 2019 so với năm trước, giá thực phẩm tăng 5,08%, giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng khoảng 1,99%; quần áo may sẵn các loại tăng 1,70%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,02%; giá du lịch trọn gói tăng 3,04%, trong đó mặt hàng thịt lợn bình quân năm 2019 tăng 11,79%... Đây là một trong những nguyên nhân chính làm CPI các tháng cuối năm tăng cao.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng, như: giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép… nên năm 2019 ước tính chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa so cùng kỳ tăng 0,59%, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 3,01%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 1,25%; chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,31%.

Dù vậy, bằng các nỗ lực của mình, Việt Nam đã có một năm thành công trong kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng cao (7,02%), lạm phát thấp, thì theo khẳng định của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, tăng trưởng “càng có ý nghĩa”.

CPI bật tăng cao, cảnh giác trước áp lực lạm phát
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng tới 0,96% so với tháng trước, sau khi đã tăng 0,59% trong tháng 10, đang gây áp lực lên lạm phát và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư