Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Làm rõ quy định không đóng góp tài chính là hành vi bạo lực gia đình
Nguyễn Lê - 14/06/2022 17:12
 
Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định 17 hành vi bạo lực gia đình, một trong số đó là có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp
.
Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu tại Hội trường.

Hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, nhưng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp là một trong những hành vi bạo lực gia đình.

Băn khoăn trên được đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) nêu ra khi Quốc hội thảo luận Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chiều 14/6.

Điều 4 Dự thảo Luật quy định 17 hành vi bạo lực gia đình, một trong số đó là "có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ".

Băn khoăn về quy định này, đại biểu Thư phân tích, trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, ai là người đóng góp chính, phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, những thành viên trong gia đình phải đóng góp là những ai?

Do đó, theo đại biểu, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

Ngoài nội dung trên, đại biểu Thư còn góp ý về quy định trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình.

Khoản 4, Điều 12 Dự thảo Luật quy định: người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đại biểu, quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản chung hay tài sản của riêng?

Cũng tham gia thảo luận về quy định về hành vi bạo lực gia đình tại điều 4, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị quy định sát thực tiễn hơn về hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó, trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình.

Bởi vì, với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các nền tảng ấy sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình.

Cũng trong khoản này quy định, trường hợp phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư là trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Tuy nhiên, đại biểu phân tịch, tại Điều 6, Khoản 11 của Luật Trẻ em 2016 lại quy định về các hành vi nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em và cả hai luật.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng vào điều 4. Vì trên thực tế  những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau còn khủng khiếp hơn nội hàm bạo lực trong nội bộ gia đình.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Hà còn đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất trong Dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.

Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý, đại biểu Hà góp ý.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư. 

Không nên quy định có kinh tế ổn định và phát triển mới là "gia đình văn hoá"
Đai biểu Quốc hội đề nghị không chế định nội dung có kinh tế ổn định và phát triển thành tiêu chuẩn của danh hiệu "gia đình văn hóa".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư