Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Làm sao để tiếp cận dòng vốn từ quỹ đầu tư?
Gia Huy - 17/02/2017 08:33
 
Có rất nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam để hỗ trợ start-up, song tiếp cận dòng vốn này không dễ, đòi hỏi start-up phải có những kiến thức và chiến lược cụ thể.

Lý Thụy Vi, một start-up từng chinh phục được Google và Facebook rót 80.000 USD vào dự án khởi nghiệp của mình cho biết, chính cô cũng đang gặp khó khăn khi tiếp cận nhà đầu tư tại một dự án mới. Sau khi nghe ý tưởng, các nhà đầu tư đòi hỏi Vi phải thuyết minh được team của mình gồm những ai, khả năng thành công và tầm nhìn của dự án ra sao, nếu có sản phẩm theo thời vụ, thì chuẩn bị những hướng đi thay thế thế nào…

Kể câu chuyện từng vác hồ sơ đi gõ cửa các quỹ đầu tư khởi nghiệp, nhưng phải âm thầm mang hồ sơ về, Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Hạt điều Gia Bảo cho rằng, quỹ đầu tư thường đòi hỏi start-up phải đưa ra được những con số cụ thể, trong khi hầu hết những người khởi nghiệp chưa thể minh bạch các con số về lợi nhuận, thuế.

Các quỹ đầu tư thường nhìn thấy sự thiếu tự tin của các start-up đối với sản phẩm của mình khi thuyết trình để gọi vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hầu hết chưa biết cách giới thiệu ý tưởng của mình, chưa có kiến thức về thị trường, về kinh doanh, nên không trả lời được thắc mắc của nhà đầu tư. Nhiều người có ý tưởng khởi nghiệp nhưng không tự bắt tay làm từ quy mô nhỏ, mà vội vàng mang đi kêu gọi nhà đầu tư phát triển lớn, khiến nhà đầu tư cảm thấy dự án khó thành công, nên không chấp nhận bỏ tiền đầu tư.

Ông Hoàng Công Đoàn, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam cho rằng, những start-up cần xem xét kỹ ý tưởng của mình, nếu tự bắt tay thực hiện với quy mô nhỏ, vốn ít, thì nên bắt đầu bằng nguồn vốn gia đình, sẽ giúp các bạn có thêm kinh nghiệm và không mất nhiều thời gian thuyết phục nhà đầu tư. Đối với dự án cần kêu gọi nhà đầu tư, start- up cần hoạch định rõ ràng về ý tưởng, tìm thêm cộng sự, đồng thời tìm hiểu thật kỹ về thị trường, pháp luật, chính sách thuế và cả bước lùi khi gặp khó khăn để thuyết phục các nhà đầu tư.

“Trước khi tiếp cận nhà đầu tư, bạn phải nắm rõ và hiểu sâu sắc sản phẩm của mình. Bạn cần xác định mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình phát triển; sau đó xét đến mục đích sử dụng vốn, mức độ rủi ro về tài chính, kinh doanh ở hiện tại và tương lai… Start-up phải nêu rất chi tiết và rõ ràng cần bao nhiều tiền, chi tiêu số tiền đó vào những việc gì, hiệu quả mang lại ảnh hưởng đến dòng tiền ra sao… Điều này cần người có kiến thức vững về tài chính, kế toán hỗ trợ”, ông Đoàn nói.

Mở đường cho các quỹ đầu tư vào start-up Việt
Thừa nhận và tạo điều kiện thông thoáng, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư thiên thần là chìa khóa thành công để khuyến khích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư