Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lam Sơn - 600 năm hào khí lan tỏa
Sỹ Chức - 17/02/2018 19:06
 
Xuân Mậu Tuất 2018, tròn 600 năm - mười “hoa niên giáp” - kể từ ngày Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Hào khí từ cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn đã lan tỏa đến bao thế hệ người Việt. Lam Sơn (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) - mảnh đất của người anh hùng dân tộc dấy nghĩa năm xưa, đang đứng trước vận hội, trước những đổi thay bởi thế “thiên thời, địa lợi”.
TIN LIÊN QUAN

Lam Sơn - “chốn nương mình dấy nghĩa”

Vùng đất Lam Sơn (thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) là nơi phát tích của triều đại nhà hậu Lê dài nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Nói về mảnh đất này, sách Lam Sơn Thực Lục do Nguyễn Trãi biên soạn, có đoạn chép: “Vua Lê Thái Tổ sinh ngày 6/8/1385, đức tằng tổ nhà vua, họ Lê húy là Hối, một hôm ngài đi chơi ngang qua, thấy các loài chim liệng dưới ngọn Lam Sơn như vẻ đông người hội họp, liền cho rằng chỗ này là vùng đất tốt và dời nhà tới đó sinh sống...”. 

Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc.

Khu di tích Lam Kinh được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Khu di tích Lam Kinh được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (tức là vua Lê Thái Tổ), chính thức khôi phục nước Đại Việt, dựng lên nhà Hậu Lê. Ông bắt tay vào việc thiết lập chính quyền trung ương và địa phương, chấn hưng kinh tế, giáo dục, đặt ra luật phát, lễ nhạc…, mở ra một kỷ nguyên thịnh trị cho nước Việt bấy giờ.

Địa danh Lam Sơn thuộc xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, được xây dựng dưới thời Vua Lê Thái Tổ, trước đó gọi là Thành Tây Đô. Phía Bắc dựa vào núi Dầu (hay còn gọi là Du Sơn), mặt Nam hướng ra sông - có núi Chúa làm tiền án, bên tả có rừng Phú Lâm, bên hữu có núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây.

Hiện không có tài liệu nào cho biết về địa giới và xuất xứ tên gọi Lam Sơn, nhưng nơi đây có hai ngọn núi được cho là có liên quan đến địa danh này, đó là núi Dầu (Du Sơn) và núi Mục.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, núi Dầu chính là núi Lam, “dưới chân núi là nhà Lê Lợi”, ngọn núi này được đổi tên thành núi Dầu để tưởng nhớ công lao bà bán dầu, thắp đèn làm hiệu cho nghĩa sĩ từ các nơi về.

Vóc dáng Lam Sơn - Sao Vàng hôm nay

Lam Sơn - Sao Vàng, vùng đất của người anh hùng dân tộc dấy nghĩa năm xưa, đang đứng trước vận hội lớn, kỳ vọng tạo những đổi thay ngoạn mục bởi thế “thiên thời, địa lợi”.

Trong đó, xây dựng Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hy vọng, nơi đây sẽ trở thành khu kinh tế động lực thứ hai, song song với Khu kinh tế Nghi Sơn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn  - Sao Vàng
Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng

Việc hiện thực hóa dự án này đang có lợi thế lớn, như có đường Hồ Chí Minh đi qua và có Cảng hàng không Thọ Xuân. Sau khi Cảng hàng không Thọ Xuân đưa vào khai thác đường bay dân dụng, khoảng cách đi lại giữa Thanh Hóa với các trung tâm kinh tế năng động của đất nước đã được rút ngắn. Chỉ trong một thời gian ngắn, tần suất chuyến bay đến TP.HCM đã liên tục được nâng lên, nhiều hãng hãng hàng không đã vào khai thác và mở thêm đường bay...

Trên nền tảng Khu công - nông nghiệp mía đường Lam Sơn, theo công bố Đồ án Quy hoạch khu công nghiệp của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng có tổng diện tích khoảng 537 ha, nằm trên địa phận 2 xã Xuân Phú, Xuân Thắng (huyện Thọ Xuân) và xã Thọ Sơn (huyện Triệu Sơn), được chia thành 4 khu vực chủ yếu, nhằm hình thành 4 cụm trong quá trình đầu tư. Trong đó, mỗi cụm sẽ có 1 lô đặc biệt với diện tích trên 20 ha làm hạt nhân, xen kẽ là các lô có diện tích trung bình và nhỏ hơn.

Đây được xác định là khu công nghiệp hiện đại, đa ngành, sử dụng công nghệ cao, được đầu tư đồng bộ, thuận tiện, an toàn cho các nhà đầu tư và phát triển hài hòa với khu vực đô thị lân cận. Dự báo đến năm 2020, khu công nghiệp này sẽ tạo việc làm cho gần 30.000 lao động.

Vị trí “địa lợi” của Lam Sơn - Sao Vàng được nhân lên, khi tuyến đường mới xây dựng nối Sân bay Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn, dài 65,91 km, đã được đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Tuyến đường này đã kết nối hai vùng kinh tế động lực, hai lợi thế song song là Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng biển nước sâu Nghi Sơn.

Gần đây nhất, cuối tháng 10/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo các đề án đề nghị công nhận đô thị Lam Sơn - Sao Vàng và các xã phụ cận thuộc huyện Thọ Xuân đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Theo Đề án, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng dự kiến được mở rộng, gồm toàn bộ ranh giới của thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và các xã Xuân Bái, Xuân Lam, Thọ Xương và một phần các xã Thọ Lâm, Xuân Phú, Xuân Thắng.

Như vậy, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng mới sẽ giáp các xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) và Kiên Thọ (Ngọc Lặc) về phía Bắc; giáp phần còn lại của các xã Xuân Phú, Xuân Thắng về phía Nam; giáp các xã Thọ Diên, Xuân Hưng về phía Đông và giáp huyện Thường Xuân (ranh giới là sông Chu) về phía Tây, với tổng diện tích 4.991,27 ha và dân số 60.351 người.

Đây cũng là khu vực được Thủ tướng Chính phủ định hướng là đô thị trong chuỗi phát triển đô thị của cả nước dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tại Quyết định số 27/2004/QĐ-TTg ngày 2/3/2004.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tái khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cấp đô thị Lam Sơn - Sao Vàng trở thành đô thị loại IV. Bởi lẽ, đây là một trong 4 đô thị tạo nên tứ giác đô thị phát triển của tỉnh, với nhiều thuận lợi, lợi thế phát triển, nhất là về giao thông (gần Cảng hàng không Thọ Xuân, đường Hồ Chí Minh kết nối với Khu kinh tế Nghi Sơn và các tỉnh trong khu vực, Quốc lộ 45 kết nối với TP. Thanh Hóa…).

Đối với đời người, thì “xuân bất tái lai”, nhưng đối với thiên nhiên, đất trời và địa danh Lam Sơn thì “xuân đi rồi xuân đến”. Tròn 600 năm - mười hoa niên giáp kể từ ngày Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đã trôi qua, xuân Mậu Tuất 2018 lại được kỳ vọng là một mùa xuân của sự đổi thay, của sức lan tỏa cho những gì đã ấp ủ từ trước đó. Hy vọng tràn trề cho một tương lai gần, vóc dáng của đô thị Lam Sơn - Sao Vàng sẽ còn vươn cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư