Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lần đầu điều trị thành công ung thư bằng cấy hạt phóng xạ
Chí Tín - 14/05/2015 14:39
 
Ngày 14/5, hai bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt được điều trị thành công bằng phương pháp Cấy hạt phóng xạ đã khỏe mạnh xuất viện tại Bệnh viện Bạch Mai. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công phương pháp này.

Cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt là phương pháp xạ trị đưa các hạt phóng xạ I-125 kích thước nhỏ 4,5x0,8 mm, phát tia gamma năng lượng thấp (35 keV), vào trong tổ chức khối u, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ mà không hoặc ảnh hưởng rất ít tới mô lành xung quanh.

Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều hấp thụ bức xạ cao tại khối u, trong khi cơ quan và tế bào lành chỉ phải chịu liều bức xạ rất thấp.

Các hạt phóng xạ có thời gian bán rã không quá ngắn và không quá dài (chẳng hạn với I-125 là 60 ngày) nên có thể để lại các hạt phóng xạ trong lòng tuyến tiền liệt mà không cần lấy ra sau khi cấy hạt phóng xạ vào. Với thời gian chiếu xạ tại mô bệnh kéo dài khoảng 6 tháng là vừa đủ cho  việc điều trị.

Thay vì phải điều trị từ 6-8 tuần như các phương pháp xạ trị chiếu ngoài, thì những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt chỉ cần điều trị 1 lần, và sinh hoạt bình thường sau 1-2 ngày nghỉ ngơi.

Kỹ thuật cấy hạt phóng xạ vào khối u để điều trị một số bệnh ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư gan ... là sự cải tiến của xạ trị áp sát kết hợp với xạ trị chiếu trong đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu áp dụng và đem lại nhiều lợi ích to lớn cho bệnh nhân.

Hiện nay tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản ... đã áp dụng rộng rãi phương pháp điều trị này. Một số nước trong khu vực như Thái lan, Singapore, Trung Quốc cũng đã bước đầu phổ biến và áp dụng.

Đây là một kỹ thuật hiện đại trong điều trị ung thư, tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật rất phức tạp này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa sâu như, chuyên khoa: ung bướu, y học hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh, thận – tiết niệu, ngoại tiết niệu, gây mê hồi sức…

Ngoài ra, cơ sở y tế phải có thiết bị cấy hạt phóng xạ, hệ thống máy siêu âm mô phỏng với phần mềm lập kế hoạch xạ trị chuyên dụng…

Theo GS. TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, với những bệnh nhân phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm và khu trú, thì cấy hạt phóng xạ là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, tăng thời gian sống thêm, tăng chất lượng cuộc sống.

“Kỹ thuật này đã được ứng dụng thường quy tại Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu, châu Á  mang lại hiệu quả điều trị cao. Tỷ lệ sống thêm không mắc bệnh đạt 97%”, ông Khoa cho biết thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư