Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Lần đầu tiên Việt Nam có CLB doanh nghiệp ICT có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng
Tú Ân - 28/04/2022 20:33
 
Đó là một trong những điểm mới đặc biệt của Chương trình “TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022” thường niên do VINASA tổ chức.

Theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2021 đạt 136.153 triệu USD, tăng trưởng so với con số trên 124,678 tỷ USD năm 2020. Dù còn chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt gần 18.8 tỷ USD, chiếm 13,8% doanh thu chung toàn ngành. Việt Nam hiện đang có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng rất nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong nước và quốc tế.

"Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam" nhằm tôn vinh các doanh nghiệp CNTT – Truyền thông hàng đầu của Việt Nam, qua đó góp phần trực tiếp củng cố uy tín, xây dựng hình ảnh nền ICT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Ban tổ chức công bố
Ban tổ chức công bố Chương trình “TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022”

Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 sẽ lựa chọn và giới thiệu TOP 10 doanh nghiệp ICT trong 20 lĩnh vực, chia thành 5 nhóm: Các lĩnh vực truyền thống ngành CNTT (Nền tảng chuyển đổi số, Xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT, BPO, dịch vụ & giải pháp chuyển đổi số, Dịch vụ & giải pháp CNTT, Sản xuất và phân phối thiết bị ICT); Các lĩnh vực ưu tiên Chuyển đối số (Chính phủ số, Thành phố thông minh, Thương mại điện tử, FinTech, EdTech, PropTech, HealthTech, AgriTech); Các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ mới (A-IoT, Blockchain, Hạ tầng số, Điện toán đám mây, dữ liệu lớn, bảo mật, an toàn thông tin); Nhóm các doanh nghiệp Startup số; Nhóm Xét bình chọn đặc biệt (Tăng trưởng ấn tượng,  Danh hiệu Doanh nghiệp nghìn tỷ).

Chương trình Top 10 ICT năm nay 2 điểm mới. Thứ nhất là bổ sung lĩnh vực doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và phân phối thiết bị ICT vào lĩnh vực bình chọn. Với xu hướng Internet vạn vật (IoT) phát triển nở rộ kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), ranh giới giữa phần cứng và phần mềm đã bị xóa mờ. Các chức năng mới, thiết bị mới được được phát triển liên tục. Công cuộc chuyển đổi số không thể tách rời CNTT với các ngành, không thể tách rời phần mềm, giải pháp công nghệ với các thiết bị phần cứng. Để cổ vũ, thúc đẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp này VINASA bổ sung hạng mục Doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, và phân phối thiết bị ICT vào chương trình.

Thứ 2 là việc lựa chọn, thành lập và công bố Câu lạc bộ Doanh nghiệp nghìn tỷ. Đây là điểm mới đặc biệt của chương trình năm nay. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu 100.000 doanh nghiệp số vào năm 2030 và hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD.

Ban tổ chức sẽ lựa chọn từ các doanh nghiệp có tổng doanh thu 2021 từ 1000 tỷ đồng trở lên để trao danh hiệu “Doanh nghiệp Nghìn tỷ”. Các doanh nghiệp này sẽ là Thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp nghìn tỷ. Câu lạc bộ sẽ có chương trình hoạt động riêng không chỉ nhằm khẳng định vị thế, tầm vóc của các tên tuổi công nghệ Việt Nam, mà còn xây dựng đội ngũ tiên phong đủ “Thế” và “Lực” dẫn dắt ngành, đầu tư vào các công nghệ tiên phong, định hướng thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư